Nếu đang sử dụng một thiết bị chạy hệ điều hành Android, bạn có thể cải thiện hiệu suất cho thiết bị của mình chỉ với những hành động đơn giản như sau…
1. Sử dụng Files Go để dọn dẹp bộ nhớ
Với giao diện khá đơn giản và gọn nhẹ chỉ với 2 tab Storage và Files, ứng dụng quản lý dung lượng điện thoại đến từ Google này vẫn rất hữu ích và cần thiết với nhiều người dùng Android. Bên cạnh quản lý, thao tác với các tập tin, ứng dụng còn có thể nhận diện ra những ứng dụng/tập tin không sử dụng trong thiết bị của bạn.
Từ tab Storage, bạn có thể thấy tổng quan tình trạng bộ nhớ của điện thoại và cả những mẹo để giải phóng bộ nhớ. Tại đây, bạn có thể lọc ra những ứng dụng/tập tin không cần thiết và xoá/gỡ bỏ chúng đi. Ngoài ra, Files Go cũng cho phép bạn dọn dẹp cache của các ứng dụng nữa.
Files Go quả là hữu ích, đặc biệt là với những thiết bị sở hữu bộ nhớ trong khiêm tốn, chỉ 16GB hay thậm chí là 8GB.
Nếu chưa cài Files Go, bạn có thể tải về và sử dụng ứng dụng này từ Google Play Store. Link dẫn thẳng vào ở bên dưới này:
Files Go của Google: Quản lý dung lượng điện thoại – Các ứng dụng dành cho Android trên Google Play
2. Vô hiệu hoá (hoặc gỡ) bloatware và những ứng dụng không dùng đến
Hầu hết các điện thoại Android hiện nay (ngoài các máy Pixel và Android One) đều có sẵn một số bloatware. Bloatware cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến hiệu suất của điện thoại. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có thể bị vô hiệu hoá, hay thậm chí là gỡ đi.
Hãy truy cập Cài đặt (Settings) > Ứng dụng (Apps) và vô hiệu hoá/gỡ bỏ những gì bạn không dùng đến. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cả Files Go để làm điều này (như đã nói trên).
3. Cài đặt những phiên bản ứng dụng “lite”
Đặc biệt với những thiết bị có cấu hình khiêm tốn, sử dụng những phiên bản ứng dụng nhẹ có thể nói là một điều đáng cân nhắc. Mặc dù những phiên bản ứng dụng “nhẹ ký” có thể không đem lại trải nghiệm tốt như bản thông thường, chúng vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng với hiệu suất “dễ thở” cho điện thoại của chúng ta hơn.
Đơn cử, Facebook Lite là một ví dụ khá điển hình. Được thiết kế tối ưu đến mức dung lượng chưa đến 5MB, có thể hoạt động trong điều kiện kết nối kém, ứng dụng này vẫn đáp ứng rất tốt những nhu cầu cơ bản của người dùng mạng xã hội Facebook, hoạt động khá mượt mà ngay cả khi dùng 2G hoặc Wi-Fi công cộng trên những thiết bị RAM chỉ 1GB.
Bên cạnh Facebook, một số ứng dụng “gọn nhẹ” có nhu cầu cao khác có thể kể đến như Messenger Lite, Skype Lite (chưa phát hành chính thức), Twitter Lite,… hay thậm chí là cả YouTube GO (chỉ có điều là chưa phát hành chính thức, vẫn có thể thử tại đây).
4. Cập nhật điện thoại lên phiên bản phù hợp
Ở trên, mình dùng chữ “phù hợp” bởi không phải khi nào cập nhật điện thoại lên phiên bản mới nhất là mang lại hiệu suất tốt hơn, thậm chí là… ngược lại.
Với những bản cập nhật nhỏ, đa số chúng đều dùng để khắc phục các lỗi tồn đọng cũng như cải thiện về mặt bảo mật và hiệu suất. Đây là những bản cập nhật cần nâng cấp để thiết bị hoạt động tốt hơn. Còn với những bản cập nhật lớn? Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nâng cấp nhé.
5. Đơn giản hoá màn hình chính (home screen)
Làm đẹp màn hình chính đôi khi cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của hiệu suất. Đặc biệt, máy có cấu hình yếu sẽ nhận ra rất rõ điều này khi thao tác vuốt trên màn hình chính. Bạn có thể cải thiện bằng cách bỏ ghim bớt một số thứ ở màn hình chính, sử dụng ảnh tĩnh thay vì live wallpaper. Ngoài ra, sử dụng một số ứng dụng live wallpaper nhẹ như Google Wallpapers hay Minima Live Wallpaper cũng là một giải pháp đáng được cân nhắc.
6. Thử dùng launcher khác
Launcher cũng có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu năng của điện thoại. Nếu cảm thấy Launcher đang sử dụng không ổn định thì hãy chuyển sang dùng cái khác cho đến khi tìm ra Launcher phù hợp nhất nhé!
7. Kiểm soát những thao tác chạy nền
Nếu cảm thấy pin “tuột” nhanh bất thường như Ariana Grande huỷ show, hãy kiểm tra lại những tác vụ nền đang diễn ra bằng cách vào Cài đặt (Settings) > Pin (Battery). Nếu phát hiện có tác vụ nào đó bất thường, hãy buộc dừng (force stop) tác vụ đó ngay và luôn.
8. Vô hiệu hoá “Always-on”
Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích của những màn hình có thể “always-on” như đọc nhanh các thông tin/thông báo trên màn hình mà không cần phải mở máy lên, tuy nhiên phải công nhận rằng cái giá khá “chát” phải trả cho tính năng này chính là lượng pin không nhỏ để duy trì tính năng này. Nếu bạn muốn kéo dài thời lượng pin cho thiết bị, hãy tắt tính năng này đi và lượng pin tiết kiệm được phải nói là không ít đâu.
9. Tắt mạng dữ liệu/Wi-Fi/Bluetooth khi không dùng đến
Tắt mạng dữ liệu di động, Wi-Fi và Bluetooth trong những lúc không cần dùng đến cũng có thể giúp bạn tiết kiệm một lượng pin không nhỏ đâu. Hơn nữa, nếu bạn không thật sự cần đến chức năng định vị thì cũng có thể tắt luôn cái này.
10. Đừng tin vào mấy phần mềm “tối ưu hoá pin”
Trên Google Play Store vẫn còn tồn tại rất nhiều ứng dụng “tối ưu hoá pin”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết những công cụ này là “xiaolin”, thậm chí có nhiều công cụ còn kiêm cả chức năng “tiễn” pin đi nhanh hơn nữa. Do đó mình khuyên các bạn đừng tin và sử dụng những ứng dụng trên, nếu đã lỡ dùng thì hãy nhanh chóng gỡ cài đặt và xoá cache thông qua Files Go nhé!
- Theo Đạtt Chu / Techrum.vn / Android Central