HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết cho phép UBND TP.HCM xây dựng đề án bổ sung các loại phí, lệ phí mới và tăng phí, lệ phí đang áp dụng. Đồng thời, xây dựng đề án thí điểm tăng mức hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Chiều 7-12, tại ngày làm việc thứ 4 kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, 100% ĐB HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua nghị quyết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, nghị quyết giao UBND TP khẩn trương xây dựng các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục để trình HĐND TP xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm 2018. Cụ thể, đề án bổ sung các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí và lệ phí hiện hành; đề án tăng phí, lệ phí đang áp dụng; đề án thực hiện cải cách tiền lương và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị quyết cũng yêu cầu, chậm nhất đến giữa năm 2018, UBND TP phải trình HĐND TP các đề án thí điểm tăng mức hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; đề án huy động vốn đầu tư xã hội thông qua phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước…
Đồng thời đề xuất ứng vốn ngân sách TP.HCM thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn TP thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Trước mắt, đề xuất triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.
Nghị quyết còn yêu cầu trước tháng 6-2018, UBND TP cũng phải trình HĐND TP đề án phân cấp, ủy quyền; đề án sắp xếp tổ chức, điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND TP; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Nghị quyết giao UBND TP căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, UBND TP tham mưu trình HĐND TP xem xét, quyết định danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở trên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, trình danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP.HCM theo quy định Luật Đầu tư công.
Trước đó, UBND TP đã có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết HĐND TP để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo UBND TP, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TP. Do đó, việc sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống và thực hiện hiệu quả sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị trí của TP, tạo điều kiện để TP phát huy các nguồn lực, khắc phục các khó khăn thách thức hiện nay, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Tuy nhiên, để đưa nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống thì phải cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết thành các đề án, nội dung đề xuất cụ thể; đồng thời nêu rõ thời gian thực hiện và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
“Trong 17 cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại nghị quyết của Quốc hội có đến 10 nội dung cần trình HĐND TP xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền”, UBND TP phân tích và cho rằng HĐND TP có vai trò rất quan trọng, cần thiết trong việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
UBND TP cũng xác định thời gian hoàn thành nội dung dự thảo các đề án trình HĐND TP chậm nhất là vào tháng 6-2018. Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì UBND TP sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ ngành Trung ương trong quá trình chuẩn bị, thẩm định, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 12-2018 để triển khai thực hiện.
Thẩm tra tờ trình, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, đánh giá nội dung tờ trình đã khái quát và đầy đủ các nội dung thuộc trách nhiệm được Quốc hội giao cho HĐND TP.
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP tán thành với nội dung tờ trình nhưng cũng lưu ý UBND TP khi xây dựng các đề án cần đánh giá tác động cụ thể, thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan có liên quan, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm cơ chế, chính sách được ban hành đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển TP nhanh, bền vững vì cả nước.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, lưu ý đây là nghị quyết của HĐND TP là nghị quyết khung, giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND TP và HĐND TP sẽ thực hiện việc giám sát trong việc thực hiện. Do đó, việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội có được từ Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét nghị quyết của Quốc hội phân cấp cho HĐND TP được quyền quyết định đối với một số nhóm lĩnh vực quan trọng như: HĐND TP xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng trên địa bàn TP.HCM thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Ngoài ra, HĐND TP còn được quyết định áp dụng trên địa bàn TP.HCM phí, loại phí chưa được quy định hiện hành hoặc tăng phí, lệ phí vượt khung.
“Tất nhiên, khi áp dụng thì phải kèm theo các điều kiện về lộ trình thực hiện hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư, sức chịu đựng của người dân trong huy động nguồn lực để phát triển”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm giải thích và khẳng định khi TP.HCM thực hiện thì phải đánh giá tác động xã hội, lấy ý kiến của người dân để có quyết định phù hợp với thực tiễn và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Người đứng đầu HĐND TP nhấn mạnh Nghị quyết của Quốc hội là động lực, là cơ hội song phải triển khai, đảm bảo đưa các nội dung nghị quyết đi vào cuộc sống, để TP.HCM tăng trưởng bền vững hơn. Đời sống của người dân từ đó được nâng cao và sự đóng góp của TP.HCM cho cả nước phải cao hơn, nhiều hơn. Mặc khác, việc triển khai có hiệu quả không chỉ tạo thêm nguồn lực mà kết quả thực hiện sẽ là kinh nghiệm là cơ chế, thể chế thực tiễn đối với cả nước.
Song song đó, nếu TP.HCM thực hiện thắng lợi nghị quyết của quốc hội (trong năm năm, qua ba năm sẽ có sơ kết, đánh giá) thì TP.HCM sẽ có cơ sở tiếp tục đề xuất Trung ương các cơ chế mới thoáng hơn và việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Ngược lại, nếu TP.HCM triển khai không thành công thì chúng ta khó có cơ hội đề xuất những gì để TP.HCM phát triển.
- Theo SGGP