Chiều ngày 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với 438/446 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 89,2%).
Cụ thể, thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở, và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết này, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết đã gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đa số đại biểu đồng tình lùi thời hạn vì thực tế, các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới), lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tốt cho việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, để đảm bảo tính khả thi của chương trình.
Như vậy, theo đúng lộ trình thì đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở các lớp theo đúng thời hạn nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
- Theo TTO