Kiến trúc sư người Đức Ole Scheeren là tác giả của một loạt các công trình có kiến trúc nổi bật độc đáo tại châu Á lấy cảm hứng từ cuộc sống đô thị thực tế, các công trình do Scheeren thiết kế liên kết yếu tố ý tưởng, con người, và đô thị lại với nhau thành các câu chuyện và dùng chính kiến trúc độc đáo của ông để chuyển tải các câu chuyện này.
Với ông, kiến trúc chính là một ma trận gồm các câu chuyện ghép lại, để từ đó xây dựng các công trình cho hiện tại và tương lai.
Scheeren đã thông qua thực tiễn và các trải nghiệm, áp dụng tư duy độc đáo để tạo nên các thiết kế vượt ra khỏi ranh giới của kiến trúc truyền thống với các sáng kiến hoàn toàn khác biệt. Ông cũng là một trong những kiến trúc sư dám dấn thân vào những lĩnh vực hoàn toàn mới, sáng tạo để tạo ra các công trình vừa đáp ứng được về chức năng vận hành, có tính kinh tế nhưng cũng vẫn phản ánh được giá trị văn hóa tinh thần của đời sống cộng đồng tại chính khu vực của dự án.
Theo Scheeren “Thiết kế theo chức năng” đã trở thành suy nghĩ có tính lối mòn ở các công trình kiến trúc hiện đại. Đây chính là những “sợi dây trói tai hại” bởi lối tư duy này trói buộc các kiến trúc sư vào các mục đích thực dụng mà không giải phóng được kiến trúc ra khỏi chức năng trang trí.
“Tất nhiên, kiến trúc phải hữu dụng nhưng tôi muốn nhấn mạnh một giá trị hoàn toàn khác, đó là mỗi công trình đều có câu chuyện riêng của nó về những chủ thể đang sống và làm việc ở đó, và kiến trúc sư phải tìm được hướng tiếp cận riêng cho từng dự án như vậy”, ông lập luận.
Công trình nhà ở thân thiện với môi trường Interlace
Kiến trúc sư Scheeren và các cộng sự của ông không chỉ thiết kế các công trình cao cấp mà còn cả các công trình xã hội, phục vụ cộng đồng. Tại Singapore, có một công trình nhà ở mang tên Interlace đã đoạt giải thưởng “Công trình Thế giới của năm” tại Festival Kiến trúc Thế giới năm 2015 vì tiên phong về tư duy kiến trúc đương đại và đại diện cho một lối suy nghĩ mới về phát triển nhà ở xã hội.
Tổ hợp The Interlace bao gồm 31 khối nhà xếp chồng lên nhau và đan xen nhau một cách ngẫu hứng, tạo thành khối mang hình dáng tổ ong với tám khoảng sân rộng hình lục giác. Công trình có diện tích 170.000m2 với 1.400 căn hộ.
Khác với các motif thông thường về tòa nhà theo hình khối, Interlace có cấu trúc đặc biệt đan xen xếp chồng lên nhau nên đã tận dụng được nhiều không gian sáng tạo theo chiều ngang. Kiến trúc của Interlace thực sự đã phá bỏ rào cản trong thiết kế nhà ở tại Singapore. Mặc dầu không phải là công trình nhà ở thương mại cao cấp nhưng tổ hợp chung cư này hiện được xem là biểu tượng của kiến trúc chung cư ở đảo quốc sư tử.
Với ý tưởng xây dựng một “Ngôi làng trên cao”, các kiến trúc sư cộng sự của Scheeren đã tạo nhiều không gian mở, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cho các căn hộ trong dự án. Thiết kế của dự án cũng dành rất nhiều khoảng trống trên không để tạo khoảng xanh ngoài các khu vườn ở dưới đất đã hiện hữu.
Ngoài ra, yếu tố bền vững cũng được thể hiện rất rõ trong các thiết kế của kiến trúc sư Scheeren.
Tại các nước nhiệt đới, mặt trời là yếu tố quan trọng nhất mà các kiến trúc sư cần phải chú ý khi thiết kế. Đầu tiên các kiến trúc sư của Scheeren đảm bảo mọi căn hộ đều có ánh sáng tự nhiên quanh năm. Sau đó, họ tiếp tục hạn chế tối đa việc tòa nhà hấp thu năng lượng.
Quan trọng nhất là họ đã chứng minh được rằng nhờ áp dụng hình học vào thiết kế tòa nhà, tòa nhà sẽ tự cung cấp đủ bóng mát cho các sân chơi để có thể sử dụng trong suốt năm. Ngoài ra, các kiến trúc sư còn đặt các khối nước dọc hành lang gió, để quá trình tản nhiệt hơi sẽ sinh ra vi khí hậu và từ đó nâng cao chất lượng của những không gian sẵn có cho cư dân.
Tòa tháp Duo tại Singapore
Tại Singapore, các kiến trúc sư của Scheeren cũng là tác giả của tòa tháp đôi Duo nổi tiếng. Đây là một tòa nhà văn phòng hiện đại, đa năng tại khu trung tâm thương mại của Singapore. Hai tòa tháp với khoảng không ở giữa tạo nên mối liên hệ giữa không gian thương mại hiện đại kết nối với khu Kampong Glam truyền thống của Singapore.
Tòa tháp Duo và các công trình liên quan có diện tích sử dụng lên đến trên 527.300m2, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.
Đặc biệt, chủ đầu tư đã dành phần đất để xây dựng một quảng trường công cộng nằm giữa hai tháp của Duo tạo ra một mối liên kết công cộng mới giữa khu bảo tồn Kampong Glam và hành lang thương mại của thành phố.
Thiết kế của tòa tháp đôi Duo được tối ưu hóa theo góc độ của mặt trời và hướng gió với cấu trúc các ô lõm như tổ ong có thể điều hòa các luồng gió tự nhiên đi qua tòa nhà. Điều này làm cho tòa nhà lúc nào cũng được mát mẻ mặc dầu nhiệt độ ngoài trời có thể lên cao. Phần đế của tòa nhà là không gian công cộng xanh mát nơi cư dân có thể thoải mái đi qua và tiếp cận các địa danh khác trong khu vực lân cận Ophir-Rochor.
Tòa tháp đôi hiện đang là đại bản doanh của khách sạn 5 sao Andaz Singapore, một thương hiệu khách sạn mang nhãn hiệu của Hyatt Hotels & Resort, với tổng diện tích sàn lên đến 87.700m2. Andaz Singapore nằm từ tầng 25 đến tầng 39 của tòa nhà Duo với bể bơi vô cực trên tầng mái.
Tòa tháp cũng có đài quan sát có thể nhìn thấy toàn cảnh Singapore và nhất là quận Kampong Glam lịch sử.
Duo cùng với quần thể Marina Bay và khu thương mại Raffles Place đang là những công trình tiêu biểu nhất của đất nước Sư tử.
Tòa tháp 77 tầng MahaNakhon tại Bangkok
Một dự án độc đáo khác có thể kể đến do kiến trúc sư Scheeren và các cộng sự của ông thiết kế, chính là tòa tháp cao nhất Thái Lan hiện nay với 77 tầng MahaNakhon tại Bangkok. Đây không chỉ là tòa nhà cao nhất Thái Lan vào thời điểm hiện tại mà thiết kế đặc biệt của nó đang làm nức lòng giới kiến trúc xây dựng nói riêng và khách du lịch nói chung khi đến thăm Bangkok.
MahaNakhon nằm ở khu Silom, trung tâm thủ đô Bangkok, được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2016, công trình bao gồm tòa cao ốc 77 tầng với chiều cao 314 mét, tổng diện tích sử dụng lên tới 150.000m2.
Lấy ý tưởng từ hình ảnh của một ngọn tháp Lego bị khuyết vài viên gạch, tòa nhà MahaNakhon được thiết kế vô cùng mới lạ và độc đáo. Thiết kế này là kiến trúc độc nhất trên thế giới được tạo ra bởi Scheeren và các cộng sự của ông.
Theo kiến trúc sư Dave Jaturon Kingminghae, Giám đốc điều hành Văn phòng Kiến trúc Buro Ole Scheeren tại Bangkok, một trong những điểm ấn tượng nhất của tòa nhà MahaNakhon chính là thiết kế hình học mới lạ, với một phần thân ở giữa và một phần ở trên cùng của tòa nhà được thiết kế xen kẽ các khối kính, làm cho khi nhìn từ phía ngoài vào, phần này của tòa nhà trong suốt tạo hiệu ứng ánh sáng rất đẹp về đêm. Hơn thế nữa, những người sống trong những căn hộ của phần này sẽ có một cảm giác rất “cool” như là đang sống giữa lưng chừng trời vậy.
Tòa nhà được sử dụng với nhiều công năng phức hợp như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khu vui chơi giải trí, khu nhà hàng ẩm thực và các căn hộ cao cấp.
Ngoài việc trải nghiệm trong các căn hộ siêu sang của tòa nhà có tính biểu tượng của Bangkok này, cư dân và khách du lịch còn có cơ hội ngắm nhìn toàn thành phố từ tháp quan sát và quán bar ngoài trời trên tầng trên cùng của tòa nhà.
MahaNakhon chính là kiểu mẫu của một khu kiến trúc tích hợp với văn phòng, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm và các căn hộ cao cấp do thương hiệu Ritz-Carlton Residences quản lý, phần khách sạn thuộc quản lý của tập đoàn nổi tiếng Marriott International và Ian Schrager.
Đặc biệt, các kiến trúc sư của Scheeren đã dành một phần không gian khoảng 1/5 tổng diện tích của khu đất để thiết kế và xây dựng lên một quảng trường phục vụ các hoạt động công cộng cho cư dân địa phương.
Kiến trúc sư Scheeren và các cộng sự còn nhiều, nhiều nữa những công trình nổi tiếng thế giới. Tất cả luôn theo triết lý là vừa đáp ứng công năng của dự án, nhưng cũng phải vừa thân thiện với người sử dụng và cả cộng đồng địa phương.