Ngày 12-10 vừa qua, chính phủ Mỹ bất ngờ công bố việc rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) sau khi lên án tổ chức này đang duy trì lập trường chống Israel. Cách đây sáu năm, vào tháng 10-2011, Washington cũng từng ngưng cung cấp tài chính cho UNESCO sau khi tổ chức này bỏ phiếu kết nạp Palestine làm thành viên chính thức. Trong một bản tuyên bố do Heather Nauert – phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, quyết định lần này của chính phủ Mỹ phản ánh mối quan tâm về những việc chưa làm được của UNESCO, về nhu cầu cải tổ cơ bản tổ chức này và lập trường tiếp tục chống lại Israel của nhiều thành viên trong đó.
Không lâu sau động thái của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng loan báo nước này sẽ rời khỏi UNESCO và gọi quyết định của Washington là “dũng cảm và hợp đạo lý”. Một trong những người đầu tiên tỏ ra thất vọng trước quyết định của Mỹ là Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova. Bà cho rằng: “Vào thời điểm mà các cuộc xung đột tiếp tục xâu xé các xã hội trên thế giới, việc Mỹ rút khỏi một cơ quan của LHQ có nhiệm vụ quảng bá sự nghiệp giáo dục vì hòa bình và bảo vệ nền văn hóa đang bị tấn công là một điều rất đáng tiếc”.
Mặc dù từ lâu nay, Mỹ vẫn ủng hộ sự hình thành một nhà nước Palestine độc lập, nhưng theo Washington, điều này phải xuất phát từ những cuộc thương thảo hòa bình và không đồng tình với việc kết nạp Palestine trước khi hoàn tất các cuộc thương lượng. Về phần mình, vào tháng 9-2017, Thủ tướng Israel nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ rằng UNESCO đang quảng bá một “nền lịch sử giả tạo” khi công nhận khu Bờ Tây với hai ngôi đền trong đó là “Khu di sản thế giới đang lâm nguy của người Palestine”. Ngoài ra, vào năm 2016, một nghị quyết của UNESCO được các nước Ả Rập hậu thuẫn cũng đã lên án các chính sách của Israel tại các khu tôn giáo ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây.
Theo nội quy của UNESCO, việc Mỹ rút khỏi tổ chức này có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018. Điều mà các nhà bình luận quan tâm hơn cả là quyết định của Mỹ sẽ mang lại những hệ quả nào? Hiện nay UNESCO có khoảng 2.000 nhân viên rải khắp thế giới, phần lớn làm việc tại Paris (Pháp) và điều mà họ lo lắng chính là sự khiếm hụt trong ngân sách hoạt động của tổ chức này. Khi Mỹ chưa rút lui, tổ chức này đã gặp khó khăn về kinh phí do nhiều nước hội viên lớn như Anh, Nhật, Brazil chưa đóng góp kinh phí cho năm 2017. Ngay khi làm ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những quyết định quan trọng: từ bỏ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP; rút khỏi Hiệp ước về khí hậu Paris và cũng đang xem lại tư cách thành viên của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) vì cho rằng tổ chức này đang theo đuổi chính sách chống Israel.
Trong những phản ứng đầu tiên về quyết định rời bỏ UNESCO của Mỹ, có lời “tiếc rẻ sâu sắc” của ông Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, song ông hứa hẹn là LHQ sẽ tiếp tục “tương tác với Mỹ trên nhiều vấn đề, thông qua nhiều tổ chức khác nhau”. Ủy ban Công vụ Mỹ – Israel (Aipac) hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng từ nhiều năm qua, UNESCO đã phản bội lại sứ mệnh tốt đẹp ban đầu và đã chọn một mục tiêu không công bằng là chống lại người Israel.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm: