Hầu hết mọi người khi nghe nói về lượng đường trong máu cao đều nghĩ ngay đến bệnh đái tháo đường. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm gây hôn mê, hay thậm chí tử vong. Trước khi bệnh nhân được chẩn đoán, xác định rõ là mắc bệnh đái tháo đường thì cơ thể họ đã có những dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của họ rất cao, nhưng đôi khi họ lại không chú ý, đến khi định bệnh rõ ràng thì đã muộn. Vì vậy, nên theo dõi các dấu hiệu mà cơ thể cung cấp để có thể phát hiện bệnh sớm, nhằm có phương pháp điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng. Nếu thấy có những dấu hiệu dưới đây, hãy đi khám và tham khảo tư vấn của bác sĩ.
1. Thường xuyên đi tiểu, nhất là vào ban đêm
Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu cho biết rằng lượng đường huyết có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Khi có quá nhiều glucose hoặc đường trong máu, thận sẽ cố gắng đẩy chúng ra ngoài qua nước tiểu. Tình trạng này càng thể hiện rõ hơn vào ban đêm, nếu bạn uống nhiều nước trước khi đi ngủ thì thường sẽ thức dậy (tối đa) là một lần để đi tiểu. Nhưng nếu có lượng đường trong máu quá cao, bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiểu và dẫn đến đi tiểu nhiều lần trong đêm.
2. Bị mờ mắt tạm thời
Mờ mắt là kết quả của tình trạng mất nước do lượng đường cao, ảnh hưởng tới các tế bào mắt, làm các tế bào mắt biến dạng và mắt mất khả năng tập trung.
3. Không thể tập trung
Lượng đường trong máu cao sẽ ngăn glucose đi vào các tế bào não, vì vậy não rất khó để lấy năng lượng. Điều này dẫn đến tình trạng mệt mỏi, không thể tập trung và ảnh hưởng đến tốc độ suy nghĩ hay ra quyết định.
4. Khô miệng
Hàm lượng đường trong máu cao gây ra mất nước vì cơ thể đang cố gắng loại bỏ lượng glucose dư thừa thông qua đi tiểu. Điều này dẫn đến tình trạng khô miệng và lúc nào cũng cảm thấy khát. Dĩ nhiên là không thể không uống nước, nhưng nên uống các loại nước không đường.
Tình trạng khô miệng còn làm giảm các đặc tính chống vi khuẩn tự nhiên trong miệng, khiến nướu răng dễ bị nhiễm khuẩn, gây chảy máu nướu răng.
5. Da xấu
Tiến sĩ – bác sĩ Joel Fuhrman, tác giả của cuốn sách The End of Diabetes (Cái kết của bệnh tiểu đường) và cũng là bác sĩ trên chuyên trang sức khỏe của tạp chí Women’s Health Magazine giải thích rằng lượng đường huyết quá cao có thể làm hỏng mạch máu tạo mảng màu nâu nhạt hoặc vẩy màu trên da – đặc biệt là ở vùng dưới chân. Các mảng này thường ngứa, và thậm chí có thể đau. Các mảng màu tối ở nếp gấp da, đặc biệt là ở nách, bẹn hoặc cổ cũng xuất hiện. Đường huyết quá cao có thể làm cho tế bào da tái sản xuất nhanh hơn bình thường khiến các tế bào mới có nhiều sắc tố hơn, dẫn đến các đốm tối. Chúng có thể không đau nhưng có thể ngứa hoặc thậm chí có mùi.
6. Chậm lành vết thương
Mức đường trong máu cao làm các động mạch xơ vữa và là nguyên nhân làm hẹp các mạch máu. Mạch máu bị hẹp dẫn đến lưu lượng máu giảm và do đó oxy đến vết thương cũng giảm. Đường trong máu cao làm giảm chức năng của các tế bào hồng cầu do đó giảm sự vận chuyển dinh dưỡng đến các mô, đồng thời làm giảm hiệu quả của các tế bào bạch cầu có vai trò quan trọng trong chống nhiễm trùng. Nếu không có đủ chất dinh dưỡng và oxy, chức năng miễn dịch suy giảm thì vết thương sẽ chậm lành.
7. Tê cứng chân tay
Khi lượng đường trong máu quá nhiều, các dây thần kinh sẽ bị phá hủy. Điều này gây ra tình trạng tê cứng và mất cảm giác ở bàn tay và chân.
8. Vấn đề về dạ dày
Lượng đường trong máu cao gây khó khăn cho việc tiêu hóa thực phẩm trong dạ dày. Điều này có thể dẫn đến đầy bụng, căng thẳng, đau bụng, buồn nôn, hoặc nôn.
9. Luôn cảm thấy đói
Người bị đường huyết cao thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thèm ăn ngay cả khi vừa ăn xong vì đường (glucose) không được chuyển hóa thành năng lượng để cơ thể hoạt động bình thường. Sự thiếu hụt này buộc cơ thể phải phá hủy các protein của các bó cơ để tìm năng lượng thay thế, bù đắp vào phần năng lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài được lâu. Khi các bó cơ đã được tận dụng hết, lúc này cơ thể phát tín hiệu đói và mệt mỏi để buộc người bệnh phải nạp thêm dinh dưỡng. Vòng tuần hoàn đó không ngừng lặp lại, khiến người bệnh không những đói mà luôn thấy mệt mỏi thậm chí sụt cân chóng mặt không rõ lý do.
10. Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
Khi mức đường huyết tăng cao, cơ thể sẽ không thể tích trữ và hấp thu glucose. Năng lượng được sử dụng không hiệu quả và các tế bào cơ thể không nhận được năng lượng cần thiết, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ hoặc chán nản.
Ngoài ra, lượng đường huyết tăng cao còn có thể gây ra tình trạng rối loạn cương ở nam giới, và gây viêm nhiễm âm đạo ở phụ nữ.
Kiểm tra đường huyết cao hay không cần dựa vào kết quả xét nghiệm máu. Sau đây là chỉ số đường huyết ở người bình thường:
– Trước bữa ăn: từ 90 – 130mg/dl
– Sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl
– Buổi tối trước khi ngủ: từ 110 – 150mg/dl
Khi có một trong các dấu hiệu kể trên cần đi khám bệnh với mục đích xác định đường huyết có bị gia tăng khi đói hay không. Khi đi khám bệnh cần nhịn ăn sáng, không ăn/uống các loại thực phẩm, nước giải khát ngọt và không uống rượu, bia…
- Lynh Lan theo womenshealth