Nhiều kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương công bố về sai phạm trong quản lý nhà nước mới đây đang trở thành tâm điểm chú ý của người dân, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội.
Một trong những nội dung được đề cập là vi phạm của cấp ủy và chính quyền Đà Nẵng cùng một số cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của thành phố này, đặc biệt là buông lỏng lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, với cương vị là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Bí thư Đà Nẵng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền.
Ông Nguyễn Xuân Anh còn được kết luận kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên trung ương và quy định những điều đảng viên không được làm.
Bí thư Đà Nẵng còn thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng được kết luận cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Với trách nhiệm đứng đầu UBND thành phố, ông Thơ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị.
Sáng 22-9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào Đà Nẵng công bố chi tiết kết luận về các sai phạm của các lãnh đạo thành phố này.
Theo quy trình của Đảng Cộng sản, sau buổi họp tại Đà Nẵng, các cá nhân liên quan sẽ tiến hành kiểm điểm, rồi trình cho tổ chức Đảng xem xét hình thức kỷ luật.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, sẽ do Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét mức kỷ luật.
Thành phố Đà Nẵng từng được xem là mô hình nổi bật trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bí thư của ông Nguyễn Bá Thanh (làm Bí thư Thành ủy từ 2003 đến 2013).
Ông Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1976, trở thành Bí thư thành phố này năm 2015.
Thông tin được nhiều báo đăng tải cho biết Bộ Công an đang điều tra các sai phạm trong việc thực hiện chín dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. Trong đó rất nhiều dự án được thực hiện từ năm 2006 đến 2012 – thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh lãnh đạo thành phố này.
Một trường hợp khác bị xử lý kỷ luật được dư luận quan tâm là ông Nguyễn Anh Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – ngày 20-9 đã bị Ban bí thư Trung ương quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Với cương vị người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn Hóa chất, gây hậu quả rất nghiêm trọng, không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Ông Dũng còn thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện bốn dự án trọng điểm: dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Anh Dũng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của tập đoàn, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng ngày 20-9, ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016, cũng bị cách chức.
Ông Quang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu trong việc thực hiện chủ trương, quy trình về công tác cán bộ. Trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn.
Ông Quang còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước.
Diễn biến gần đây nhất được dư luận xã hội quan tâm là Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quyết định được công bố, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc, liên quan trong việc thực hiện quy định về tự chủ theo các Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; việc quản lý đầu tư xây dựng hai bệnh viện trọng điểm theo Đề án 125: Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (Viện Chấn thương chỉnh hình).
Đoàn thanh tra có 13 thành viên do ông Phan Thăng Long, Phó vụ trưởng Vụ III – Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định và đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với bảy loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma trước khi xảy ra vụ án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12-2017.
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp thường có nhiều khuất tất và điều này cũng đang diễn ra tại Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS). Cuối tuần qua, sự việc được đem ra mổ xẻ dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cổ phần hóa VFS được bắt đầu từ khi có các quyết định của Chính phủ về chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phương án cổ phần hóa được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật và được 100% cán bộ, văn nghệ sĩ của VFS thống nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa, những vấn đề liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến của các văn nghệ sĩ cũng như sự quan tâm của dư luận.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Phạm Xuân Hải cho rằng, một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống gần 60 năm, sản xuất gần 400 bộ phim điện ảnh có giá trị nghệ thuật về nhiều mặt nhưng giá trị thương hiệu của VFS lại bị định giá là 0 đồng ở thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa (năm 2014). Giá trị của các “khu đất vàng” mà VFS đang sử dụng cũng không được tính đến.
Đại diện các văn nghệ sĩ cũng đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện cổ phần hóa được cho là chưa minh bạch, khách quan; thực hiện các cam kết của chủ đầu tư đối với cán bộ, người lao động tại VFS; việc sử dụng các khu đất; kiến nghị thay đổi đơn vị tư vấn khi rà soát lại quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng…
VFS chính thức được cổ phần hóa vào tháng 4-2016. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso).
- Gia Minh
Xem thêm: