Tình trạng khí hậu nóng dần lên đã làm tan chảy băng ở vùng Bắc cực. Những bức hình chụp từ vệ tinh cho thấy khối lượng băng trong mùa hè suốt ba thập niên qua đã giảm dần. Trong tháng 9 này, các nhà khoa học công bố đây là mùa hè có vùng băng thấp nhất kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu, giảm 3,4km2 (giảm 50% so với thời kỳ 1979-2000). Các nhà khoa học còn cảnh báo là thế giới đang “tiến vào lãnh địa chưa được thám hiểm”.
Tàu Ob River đang trên hành trình từ cực Bắc Na Uy đến vùng biển Nhật Bản
Tuy nhiên, việc giảm diện tích đóng băng ở Bắc cực lại mở ra cơ hội vận tải và thương mại mới, có thể mang lại cuộc cách mạng về hàng hải. Sử dụng hải trình qua Bắc cực có thể cắt giảm thời gian đến 40% so với hải trình qua kênh đào Suez.
Hải trình đi qua vùng Bắc cực đã có hàng trăm năm nay nhưng không được thông thương lâu. Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây chúng ta mới thấy hải trình này được các hãng tàu quốc tế sử dụng.
Vùng đất trong vòng cung Bắc cực ấm dần lên đã thu hút sự quan tâm của các công ty khai thác dầu khí, khoáng sản và các nhóm vận tải. Vùng Bắc cực chứa đến 90 tỉ thùng dầu chưa được khám phá nhưng hoàn toàn có khả năng khai thác vào khoảng 556 tỉ m3 khí thiên nhiên, theo khảo sát của Địa chất Hoa Kỳ.
Các nhà bảo vệ môi trường lo lắng là việc khai thác khoáng sản ở vùng Bắc cực có thể gây thiệt hại cho một vùng hoang sơ cổ xưa, trong khi đó việc gia tăng vận chuyển thương mại cũng có thể tạo ô nhiễm nặng cho vùng biển này. Nhóm Bảo vệ Môi trường toàn cầu trong một báo cáo mới đây cho rằng đầu tư vào vùng Bắc cực sẽ “đối mặt với hậu quả khí hậu, rủi ro về địa chính trị và khả năng xung đột chưa lường trước được, cũng như những thay đổi về chính sách trước sự chống đối của công chúng. Các doanh nghiệp nhắm vào vùng Bắc cực cần chuẩn bị cho một cuộc phiêu lưu đầy sóng gió”.
Tàu Ob River bắt đầu chuyến hải hành một tháng trước khi bắt đầu nhận 134.000m3 khí hóa lỏng tại Hammerfest ở cực Bắc Na Uy, nơi Công ty Stateoil có nhà máy chế biến khí đốt lớn. Tàu này được thuê từ bộ phận tiếp thị và kinh doanh của Gazprom, một công ty năng lượng khổng lồ của Nga. Chỉ có một số ít tàu vận chuyển khí hóa lỏng trên thế giới phù hợp cho hải trình đầy băng này, có nghĩa là phải tăng cường vỏ tàu để thích ứng với điều kiện ở Bắc cực.
Mặc dù vùng nước biển đóng băng đã giảm nhưng tàu Ob River cũng được một tàu phá băng chạy bằng nguyên tử của Nga hộ tống trên gần suốt cả hải trình. Điều này đã làm tăng chi phí vốn đã ở mức cao do phí bảo hiểm tăng cũng như trang thiết bị đắt tiền cần thiết cho hải trình này. Tuy nhiên, hải trình này cũng mang lại nhiều lợi ích tài chính do “tiết kiệm được từ khoảng đường ngắn hơn cũng đủ để bù đắp cho những chi phí bổ sung”.
Cho đến nay thì không biết ai nữa có thể gặt hái lợi ích từ con đường Bắc cực này khi chỉ có duy nhất nhà máy chế biến khí đốt của Na Uy trong khu vực. Phần lớn các nhà sản xuất khí đốt trong khu vực Đại Tây Dương như Nigeria, Angola và Trinidad, xuất khẩu sang châu Á vẫn thuận lợi hơn qua kênh đào Suez và Panama.
Tuy nhiên, khi Nga có kế hoạch phát triển các mỏ khí đốt khổng lồ trong vùng biển Barents và bán đảo Yamal ở vùng cực Bắc, sẽ hưởng lợi lớn. Tình trạng băng tan chảy có nghĩa là Nga có thể vận chuyển khí đốt sang châu Á, nơi có thể đạt giá cao hơn nhiều so với thị trường truyền thống châu Âu của Gazprom. Theo giám đốc hàng hải và logistics toàn cầu của bộ phận tiếp thị và kinh doanh thuộc Gazprom, “dứt khoát chúng tôi sẽ lưu ý đến con đường Bắc cực trong các dự án tương lai của chúng tôi tại Nga. Chúng tôi đã tự chứng minh cho chính mình và cả thế giới thấy rằng đây là một hải trình khả thi”.
Thiên Bảo theo Financial Times, 4-12-2012