Thường ai cũng cố gắng tránh xa nợ nần. Tuy nhiên, cuộc sống đôi khi khiến chúng ta rơi vào những khoảnh khắc tồi tệ, buộc chúng ta phải “sống chung với lũ” – lựa chọn giữa vay nợ hay bỏ qua một cơ hội kinh doanh, đầu tư tiềm năng. Theo các chuyên gia tài chính, khi phải đối mặt với những khoản nợ, bạn nên hiểu quy tắc của nợ, để vận dụng và ứng phó một cách chính xác nhất.
Hiệu ứng hòn tuyết lăn
Nếu đồng thời có một khoản nợ lớn và một khoản nợ nhỏ, bạn sẽ thanh toán khoản nợ nào trước? Thông thường, chúng ta đều ưu tiên thanh toán khoản nợ lớn trước, nhằm tránh được khoản tiền lãi lớn phải trả cũng như tránh tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Remi Trudel, phó giáo sư giảng dạy về tiếp thị của Trường Đại học Boston (Mỹ) lại cho thấy điều khá thú vị. Theo đó, ông và nhóm cộng sự đã theo dõi hành vi trả nợ trên thẻ tín dụng của 6.000 khách hàng, sau khi chia số khách hàng này thành hai nhóm (một nhóm được chia khoản nợ ra thành nhiều khoản nợ nhỏ để trả dần từng phần; nhóm kia được trả trực tiếp khoản nợ lớn). Kết quả là những người trả các khoản nợ nhỏ đã trả hết nợ của họ với thời gian trung bình nhanh hơn 15% so với nhóm còn lại.
“Tập trung trả các khoản nợ nhỏ trước giúp người trả nợ có cảm giác mọi việc đang đi đúng trình tự và có thêm động lực rất lớn để trả nốt số nợ còn lại”, Remi Trudel nhận định trên trang Harvard Business Review. Giới phân tích cũng thường gọi hiệu ứng này là hòn tuyết lăn, khi một sự việc lớn được giải quyết nhờ cảm hứng từ việc giải quyết những việc nhỏ hơn.
“Tôi biết Derek Sall, một blogger đã áp dụng hiệu ứng hòn tuyết lăn và đã nhanh chóng trả hết 100.000 USD tiền nợ của mình” – Emmie Martin, cây bút chuyên bình luận về tài chính cá nhân trên kênh CNBC và trang Business Insider chia sẻ – “Tuy nhiên, tôi thực sự khuyên bạn nên cân nhắc khi sử dụng quy tắc này. Bởi giữa thời gian trả nợ nhanh hơn và chi phí thực tế phải cộng thêm, với mỗi người lại có thứ tự ưu tiên khác nhau”.
Nợ chồng… nợ
Bạn có sẵn sàng vay thêm một khoản nợ nữa khi trong tài khoản vẫn còn nợ chưa trả hết hay không? Theo Todd Campell, chuyên gia tài chính cá nhân người Australia với hơn 30 năm kinh nghiệm, thì đa phần chúng ta sẽ trả lời “không”, vì có một sự rủi ro lớn trong việc để nợ chồng nợ như vậy.
“Tất nhiên, đa số trường hợp, tôi sẽ khuyên khách hàng của mình trả lời “không” ngay lập tức – Todd Campell chia sẻ trên trang Business Insider – “Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tôi vẫn khuyến khích họ trả lời có”.
Theo đó, Todd Campell luôn khuyến khích khách vay thêm nợ, khi đó là khoản vay cho giáo dục: “Có thể ở nhiều quốc gia sẽ có những chính sách cũng như khoản cho vay khác nhau, nhưng tôi thấy rằng ở hầu hết mọi nơi, những khoản cho vay giáo dục như học cao đẳng hay đại học luôn là một trong những hình thức nợ linh hoạt nhất. Thanh toán có thể được thương lượng lại dựa trên thu nhập của bạn sau này hoặc có thể tạm thời được ngưng trong trường hợp khẩn cấp về tài chính… Ngoài ra, lãi suất của những khoản vay này cũng không quá cao, chưa kể tới việc đầu tư cho bản thân luôn là một khoản đầu tư bền vững và khôn ngoan”.
Còn Dan Caplinger, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ với hơn 15 năm kinh nghiệm, thì thường khuyên khách hàng của mình có thể chuyển đổi nợ, nếu họ có một sự tính toán và cân nhắc kỹ càng. “Có nhiều hình thức dùng nợ lãi suất thấp để trả nợ lãi suất cao bạn có thể áp dụng, như vay nợ giáo dục, vay nợ từ thế chấp ngôi nhà… Tuy nhiên, bạn cần phải tôn trọng kỷ luật tuyệt đối việc trả nợ, quan tâm đặc biệt tới thời gian các khoản nợ đáo hạn và chỉ chuyển từ nợ lãi suất cao xuống lãi suất thấp, chứ đừng bao giờ làm điều ngược lại” – Dan Caplinger chia sẻ.
Nợ có thể tạo ra… động lực
Alex Foster, chuyên gia đầu tư người Mỹ, hiện là giám đốc đầu tư của công ty tài chính AF Capital Management, quản lý số tài sản đầu tư hơn 7 triệu USD, lại có một góc nhìn khá thú vị về tác động của nợ đến tâm trí chúng ta.
“Cách này hay cách khác, nợ luôn tạo ra cho chúng ta sự căng thẳng – Alex Foster nhìn nhận – “Tuy nhiên, không ít đối tác và khách hàng của tôi, dù không hề thiếu thốn tiền bạc, vẫn chấp nhận ghi nợ để có được sự căng thẳng ấy, nhằm tạo ra động lực cho bản thân. Bởi động lực từ những khoản nợ khiến họ chi tiêu tiết kiệm hơn, làm việc điên cuồng hơn và đầu tư thận trọng hơn. Thứ duy nhất tôi khuyên bạn nếu dùng nợ để tạo động lực, đó là nên thận trọng và tính toán chi tiết các khoản nợ. Đừng để sức ép từ nợ tạo ra quá lớn, làm đảo lộn cuộc sống của bạn, khiến bạn phải đốt cháy thời gian cho những kế hoạch cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bản thân”.
- Tuấn Thành