Thị trường trái phiếu ở châu Á có mức tăng trưởng ấn tượng trong vòng gần một năm qua. Theo Jakarta Post, các nhà đầu tư trái phiếu đang đổ xô tới các nước ở châu Á khi thị trường Mỹ có sự sụt giảm mạnh. Nhu cầu trái phiếu châu Á đang ở mức cao nhất trong vòng tám tháng qua và có vẻ ổn định trong năm nay.
Hãng nghiên cứu ANZ Research cho biết các nhà đầu tư đã đổ 9 tỉ USD vào thị trường các nước châu Á và trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5, vượt mức 8,8 tỉ USD trong tháng 4. Cả hai đều là mức cao nhất kể từ tháng 9-2016.
Các chuyên gia kinh tế nhận định động lực cho xu hướng này chính là những hy vọng ban đầu về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng thông qua các gói kích thích tài chính đã không trở thành hiện thực. Điều này đã kéo cả đồng USD và dư nợ của Mỹ tăng trở lại, vì vậy, thu nhập cố định ở châu Á bắt đầu trở nên “hấp dẫn hơn nhiều”.
Sau khi đạt được mức cao trong hai năm (2,641%) vào tháng 12-2016, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm giảm xuống còn 2,103% vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Về lạm phát cơ bản trong tháng 5 của Mỹ, trừ lương thực và năng lượng, các chỉ số còn lại đều ở mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Thậm chí, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất cơ bản và áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ cũng không thay đổi được cục diện này. Lãi trái phiếu kỳ hạn năm năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng bốn tuần qua (1,8%) vào tuần trước, thấp hơn mức đỉnh (2,148%) hồi tháng 3 năm nay.
Giới phân tích cho biết các nhà đầu tư hiện đang tin tưởng vào sự ổn định của thị trường châu Á, chính điều này đã làm cho thị trường trái phiếu của châu Á trở nên khá hấp dẫn. Các thị trường trái phiếu của các quốc gia ở châu Á đang nổi lên là Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc. Trong hai tháng qua, hầu hết các quỹ đã đổ vào thị trường Ấn Độ, nơi lãi trái phiếu chính phủ 10 năm khoảng 6,5%, Malaysia là 3,9% và Hàn Quốc khoảng 2,13%.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu trong ngắn hạn, nhưng triển vọng lâu dài là tích cực, đặc biệt là khi lạm phát ở Mỹ thấp hơn đã làm giảm niềm tin của FED đối với lãi suất cao hơn.
Đầu tư vào trái phiếu châu Á là một phần của sự tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh mẽ của khu vực này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng 5,5% trong năm 2017 và ở mức 5,4% vào năm 2018.
- T.C