Đó là một trong những điểm nhấn trong Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-2017.
Việt Nam và Nga đánh giá tích cực việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Gazprom, Công ty Zarubezhneft, Tập đoàn Rosneft) trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt. Đáng chú ý, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Nguyên thủ hai nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện, đặc biệt là sự tham gia của các công ty Nga vào việc hiện đại hóa các cơ sở năng lượng được xây dựng trước đây với sự hỗ trợ của Liên Xô và xây dựng các cơ sở mới ở Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu dầu và khí đem lại cho đất nước hàng tỉ USD mỗi năm. Theo đánh giá của ngành dầu – khí, trữ lượng dầu – khí của nước ta có thể thu hồi là 3,8-4,2 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng đã được xác minh khoảng 1,05-1,14 tỉ tấn, trong đó khí đốt chiếm trên 60%. Nước ta đã, đang và sẽ hợp tác khai thác dầu khí với nhiều quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này. Chẳng hạn với Hoa Kỳ, vào đầu năm nay, Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil) đã được ký kết. Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
Tuy nhiên, đề cập đến ngành năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng thì Nga (trên cơ sở Liên Xô trước đây) luôn là đối tác hàng đầu của nước ta. Ngày 19-6-1981, Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp định Liên Chính phủ thành lập Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro để tiến hành tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây là liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Ngày 26-6-1986, Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1. Trong những năm đầu của công cuộc Đổi mới, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn dầu thô mà Vietsovpetro khai thác được để xuất khẩu đã mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Từ năm 1993, Liên bang Nga tiếp nhận nghĩa vụ và quyền lợi của Liên Xô trong liên doanh và để khẳng định sự hợp tác chiến lược lâu dài trong lĩnh vực dầu khí, ngày 27-12-2010, Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga ký kết Hiệp định Liên Chính phủ về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030. Theo thỏa thuận mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nắm 51% cổ phần trong liên doanh và công ty của Nga chiếm 49%. Năm 2016, Vietsovpetro hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô (5,04 triệu tấn) và 1,68 tỉ mét khối khí (đạt 130% kế hoạch), đạt doanh thu gần 1,7 tỉ USD, nộp ngân sách hơn 683 triệu USD. Doanh thu năm 2017 dự kiến ở mức 1,9 tỉ USD, nộp ngân sách 775 triệu USD.
Bên cạnh đó, còn có các liên doanh khác giữa doanh nghiệp hai nước, như liên doanh Rusvietpetro giữa Zarubezhneft và Petrovietnam (tháng 12-2008, được đánh giá là liên doanh có hiệu quả nhất của Petrovietnam ở nước ngoài), liên doanh Vietgazprom giữa Petrovietnam và Gazprom (năm 2000), liên doanh Gazpromviet cũng của Gazprom và Petrovietnam (năm 2006) để thực hiện khai thác khí và condensate tại mỏ Nagumanov, Bắc Purov trên lãnh thổ Nga…
Cũng liên quan đến vấn đề năng lượng, nhưng là vấn đề trong nước và có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như từng hộ gia đình, đó là về cơ chế thay đổi giá điện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 24/2017, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2017, thay thế Quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Theo đó, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Còn trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Còn khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện mới được tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là sáu tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trong trường hợp giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Nếu sau khi tính toán giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp sau khi tính toán giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công thương chấp thuận.
Cũng cần nhắc lại là vào đầu năm nay, trong nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, bảo đảm có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát.
Có thể nói, với quyết định số 24/2017, EVN sẽ có được sự chủ động nhất định trong việc tăng giá điện. Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng và việc tăng giá điện sẽ có tác động mạnh đến mặt bằng giá cũng như tăng trưởng kinh tế. Mười năm qua, giá điện bán lẻ ở nước ta đã tăng mười lần, gần nhất là vào năm 2015, giá điện tăng 7,5%. Khi đó, Bộ Công thương ước tính mức tác động tới lạm phát khoảng 0,18 – 0,23%. Trong bối cảnh giá xăng có thể tăng (trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường đều với mặt hàng xăng lên 3.000-8.000 đồng/lít), việc tăng giá điện “đúng quy định” của EVN nếu có sẽ càng tạo áp lực lên lạm phát và đời sống kinh tế – xã hội nói chung.
- Ly Lam