Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy các tập đoàn ôtô quốc tế đang tích cực đổ thêm tiền vào ngành sản xuất xe hơi nhiều tiềm năng của nước này.
Nỗ lực đuổi theo Thái Lan
Sự phát triển nhanh của nền kinh tế – xã hội Indonesia đã giúp nước này có khả năng trở thành thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á, đe dọa soán ngôi số 1 hiện nay của Thái Lan. Năm nay, GDP của Indonesia là 700 tỉ USD và có hy vọng sẽ đạt 4.600 tỉ USD vào năm 2025, rồi trở thành một trong bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Trong nhiều tiêu chí đo lường tốc độ phát triển được đề xuất, lượng xe hơi bán ra tại thị trường này được xem là một trong những yếu tố quan trọng phản ánh sự tăng trưởng. Năm ngoái, lượng xe tiêu thụ được tại thị trường này đạt con số kỷ lục 894.164 chiếc, tăng 19,9% so với năm 2010. Đây cũng là năm đầu tiên doanh số bán xe của Indonesia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Thái Lan (chỉ bán được 850.000 chiếc). Tốc độ tăng trưởng đó tiếp tục được duy trì trong năm nay, cụ thể là trong tám tháng đầu năm, lượng xe bán ra tại Indonesia tăng 23% (714.152 chiếc đã đến tay người tiêu dùng). Riêng trong tháng 9 vừa qua, số xe tiêu thụ được tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt mức kỷ lục về tiêu thụ trong tháng là 102.111 chiếc các loại, tức là còn vượt tổng lượng xe bán được trong cả năm tại thị trường Việt Nam. Ông Johnny Darmawan – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Indonesia cho hay khả năng đạt doanh số 960.000 xe trong năm nay tại Indonesia là trong tầm tay, thậm chí có thể chạm tới ngưỡng 1 triệu chiếc chứ không phải chờ sang năm sau. Nếu đúng như vậy, Indonesia sẽ trở thành thị trường xe hơi có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong năm nay.
Thủ đô Jakarta của Indonesia vẫn đang phải đối mặt với nạn kẹt xe – mặt trái của vấn đề
Tương tự người Thái, người tiêu dùng Indonesia chuộng xe hơi Nhật và ngành công nghiệp ôtô có sự đóng góp lớn của các nhà sản xuất xe hơi lớn đến từ xứ Phù Tang. Hiện tại, các dòng xe Nhật chiếm tới 86% thị phần ở nước này, trong đó Toyota đứng đầu, chiếm tới 37% thị phần. Nhánh con của Toyota là Daihatsu giữ vị trí thứ hai với 15% thị phần. Các thương hiệu xe Nhật khác như Suzuki, Nissan, Honda cũng rất được ưa chuộng tại Indonesia.
Chịu chi phối bởi chính sách điều tiết chung của các tập đoàn ôtô Nhật, hiện nay cả Thái Lan lẫn Indonesia có quan hệ rất chặt chẽ trong ngành này. Năm 2011, Indonesia là thị trường xuất khẩu xe lớn thứ hai của Thái, sau Úc, chiếm 12,5% lượng xe “made in Thailand” được xuất khẩu ra toàn thế giới, trong đó lượng xe xuất khẩu nguyên chiếc chiếm 38,7%. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Indonesia, hằng năm nước này nhập khẩu khoảng 200 ngàn xe các loại. Có một sự khác biệt trong sản xuất ôtô giữa hai nước này là nếu Thái Lan tập trung sản xuất dòng xe thương mại và xe bán tải thì Indonesia lại tập trung sản xuất các dòng xe chở người (chiếm tới 71% sản lượng).
Thái Lan vẫn đang là một thế lực không dễ để Indonesia qua mặt trên con đường chinh phục ngôi vị số 1 Đông Nam Á trong ngành công nghiệp ôtô. Ngành công nghiệp ôtô Thái chỉ chịu “cài số lùi” trong năm 2011 do chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Năm ấy, tổng sản lượng năm của ngành công nghiệp ôtô Thái đã được dự kiến lên đến 1,46 triệu xe, tức là gấp đôi sản lượng của Indonesia. Đến nay, dù đã nâng thêm được sản lượng, nhưng tính về kim ngạch xuất khẩu xe hơi thì Indonesia vẫn còn thua kém Thái Lan khá xa. Kim ngạch xuất khẩu xe hơi của Indonesia mới đạt 2,8 tỉ USD, đứng vị trí 34 thế giới, chiếm 0,3% tổng giá trị xuất khẩu xe hơi toàn cầu, trong khi Thái Lan đứng thứ 17 và chiếm được 1,7%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Indonesia sẽ tăng nhanh, trong đó lượng vốn được hút vào lĩnh vực sản xuất ôtô cũng không hề nhỏ. Điều đó cho phép nhiều người suy đoán rằng trong tương lai không xa, Indonesia sẽ vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia có ngành công nghiệp ôtô hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Chìa khóa của sự tăng trưởng
Bình luận về khả năng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á của ngành ôtô Indonesia, ông Irwan Priyantoko, một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Toyota tại Indonesia, khẳng định: “Mỗi quốc gia đều có tiềm năng riêng của mình. Tuy nhiên, việc trở thành một thị trường hàng đầu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự đồng bộ của công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng, việc cung cấp phụ kiện từ các nhà sản xuất nội địa”.
Liệu mẫu xe gia đình giá rẻ Toyota Avanza này sẽ được Indonesia nhân rộng trong khu vực?
Xác định công nghiệp ôtô là ngành kinh tế then chốt của đất nước, Chính phủ Indonesia đặc biệt chú trọng tới các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nội địa. Người tiêu dùng mua xe chỉ phải trả ngay 20 – 30% giá trị xe, phần còn lại được vay từ ngân hàng với lãi suất thấp. Các dòng xe có giá mềm, dưới 200 triệu rupiah (khoảng 440 triệu đồng) chiếm thị phần lớn nhất, tới 50%. Để duy trì mức giá dễ chịu này, Indonesia áp dụng mức thuế suất linh hoạt từ 0 đến 50% đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và 10% thuế nhập khẩu linh kiện, lại có chế độ ưu đãi đối với các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước trong khu vực ASEAN.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất xe hơi, từ tháng 8 năm ngoái, Indonesia quyết định miễn thuế từ năm đến mười năm cho các dự án đầu tư lớn và giảm 50% thuế trong hai năm tiếp theo. Có thể nói đó là “đặc ân” dành cho những dự án đầu tư với lượng vốn ít nhất từ 117 triệu USD trở lên. Ngoài ra, nước này còn dành thêm nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư sản xuất dòng xe sạch. Bên cạnh việc triển khai thực hiện kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất xe hơi tại khu vực ASEAN, Chính phủ Indonesia cũng thông báo quyết tâm theo đuổi dự án xe sinh thái và hướng theo mục tiêu đưa quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất xe hybrid vào năm 2020.
Những chính sách ưu đãi nói trên được thực thi tại đất nước có tới 240 triệu dân (chiếm 40% dân số Đông Nam Á) tất nhiên phải tạo được sức bật về sản xuất và tiêu thụ xe hơi. Theo nhận định của ông Masaki Honda – chuyên gia tư vấn của Tổ chức Vận tải châu Á – Thái Bình Dương (có tên tiếng Anh là Frost & Sullivan Asia Pacific) thì tỷ lệ sở hữu ôtô ở Indonesia sẽ tăng từ mức bình quân 80 chiếc/1.000 người hiện nay lên 300 chiếc/1.000 người vào năm 2025, nghĩa là mức tăng tới 275% đầy ấn tượng. Đó chính là thỏi nam châm hút các nhà đầu tư đến với Indonesia. Nguồn vốn đã và đang được đổ vào ngành công nghiệp ôtô Indonesia chảy từ các tập đoàn sản xuất ôtô lớn của nước ngoài, chủ yếu là từ Nhật Bản và Mỹ, bên cạnh đó có cảẤn Độ.
Các hãng Toyota, Honda, Daihatsu, Mitsubishi, General Motors, Ford và Tata đều nhanh chân tăng thêm vốn đầu tư vào thị trường Indonesia. Tất cả đều công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp mới tại đây cùng hứa hẹn sẽ sớm đưa ra những mẫu xe mới cho thị trường này, tập trung vào phân khúc khách hàng trung lưu nhiều tiềm năng.
Thông qua Công ty PT. Indomobil Suzuki Motor, Tập đoàn Suzuki sẽ đầu tư 782 triệu USD vào một nhà máy lắp ráp tại Indonesia để nâng sản lượng tăng gấp đôi mức hiện nay, lên 200.000 xe/năm. Ông Carlos Ghosn – CEO của Tập đoàn Nissan đã thông báo sẽ đầu tư vào Indonesia thêm 400 triệu USD để mở rộng sản xuất. Toyota cũng tiết lộ kế hoạch sẽ nâng lượng ôtô sản xuất tại nước này lên 230.000 chiếc/năm kể từ năm 2014, trong khi General Motors chuẩn bị đầu tư 150 triệu USD để mở cửa lại nhà máy lắp ráp xe van bảy chỗ sau bảy năm đóng cửa. Theo dự tính, nhà máy được tái khởi động đó sẽ sản xuất 40.000 xe/năm để phục vụ cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu. Honda chuẩn bị khánh thành nhà máy mới tại Indonesia với tổng vốn đầu tư khoảng 329 triệu USD để nâng lượng xe được sản xuất tại đây lên 180.000 chiếc/năm. Mitsubishi cũng đầu tư 27,8 triệu USD để tăng thêm 12.000 xe, đẩy tổng sản lượng lên 162.000 chiếc/năm. Trong khi đó, liên doanh của Daihatsu tại Indonesia đang đầu tư để đi từ mức 100.000 xe/năm hiện nay lên tới 430.000 xe/năm trong vài ba năm nữa. Dây chuyền mới của nhà máy Daihatsu Indonesia sẽ đi vào hoạt động trong năm tới, chuyên sản xuất hai dòng xe nhỏ giá rẻ là Xenia và Avanza. Ở phân khúc cao cấp, BMW cũng bắt đầu đưa vào sản xuất tại Indo mẫu xe sedan sang trọng đầu tiên.
Khác với một quốc gia khác trong khu vực cũng có tham vọng lớn trong ngành công nghiệp ôtô là Malaysia, Indonesia không chọn con đường phát triển mẫu xe riêng như Malaysia đã làm với Proton. Thay vào đó, mục tiêu của họ là trở thành một trung tâm sản xuất và phân phối toàn khu vực Đông Nam Á những mẫu xe phù hợp, có giá mềm như Toyota Avanza, Honda Freed hay một số model của Suzuki. Nói về chiến lược phát triển này, tiến sĩ Kitti Prasertsuk tại Đại học Thammasat đã tự tin khẳng định: “Nếu bạn hỏi trong khu vực Đông Nam Á này, quốc gia nào cạnh tranh được với Thái Lan trong lĩnh vực công nghiệp ôtô thì câu trả lời sẽ là Indonesia, bất chấp việc Malaysia là nước Đông Nam Á đầu tiên sản xuất mẫu xe riêng (Proton) của mình”.
Thủy Phạm