Các ông lớn lĩnh vực năng lượng bao gồm Exxon Mobi và Royal Dutch Shell xem ra đang tiêu phí hơn 1/3 nguồn ngân sách đầu tư của họ vào những dự án vốn sẽ không bao giờ đi vào hoạt động nếu những mục đích liên quan đến bảo vệ môi trường cần thiết phải được thực thi. Báo cáo mới đưa ra hồi tuần qua bởi Carbon Tracker, tổ chức tài chính nghiên cứu và phân tích lĩnh vực khai thác năng lượng hàng đầu thế giới, cho thấy có hơn 2.000 tỉ USD được dự trù vào những dự án đầu tư khai thác xăng dầu và khí đốt vào 2025 sẽ bị xem là hoang phí nếu chính phủ các nước tiếp tục đấu tranh vì sứ mệnh giảm thiểu lượng khí thải CO2 nhằm ngăn chặn việc Trái đất nóng thêm 20C. Dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường do Hiệp định Paris 2015 đưa ra, Carbon Tracker cho biết sẽ có rất nhiều trong số 69 công ty khai khoáng buộc phải đóng cửa hoặc tạm ngưng các dự án khai khoáng mới nhằm thỏa mãn yêu cầu cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt và lượng khí thải. Exxon, công ty xăng dầu hàng đầu thế giới, có khả năng đang tiêu hoang hơn một nửa ngân sách đầu tư vào các dự án sẽ không cần thiết cho tương lai. Tương tự, 40% ngân sách đầu tư của Shell và Total là hoàn toàn không phù hợp với định hướng chính sách bảo vệ môi trường trong tương lai. Các nhà sản xuất khí đốt trong những năm gần đây phải chịu đựng nhiều áp lực từ giới đầu tư trong việc giảm thiểu khí thải CO2 và gia tăng tối đa sự minh bạch về các khoản đầu tư trong tương lai. Chẳng hạn, AP7, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất Thụy Điển, mới đây đã cắt giảm mạnh nguồn đầu tư trong sáu tập đoàn khai khoáng, trong đó bao gồm Exxon, vốn bị chỉ trích vi phạm Hiệp định Paris.
Bản báo cáo chỉ ra các dự án khai thác đắt giá nhất trong đó có mở rộng quặng dầu Kashagan tại Kazakhstan và hai quặng Bonga Tây Nam và Bonga Bắc đều tại Nigeria, tất cả đều trở nên dư thừa khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Trong số 2/3 chương trình sản xuất dầu bị xem là vi phạm hiệp định về môi trường này đều sở hữu bởi các tập đoàn, do đó bản báo cáo của Carbon Tracker cho biết rủi ro môi trường nằm trong tay các doanh nghiệp cá nhân hơn là những công ty khai khoáng quốc doanh. Aramco, công ty khai khoáng trực thuộc chính phủ Ả Rập Saudi được xem là nhà sản xuất dầu thô có giá thấp nhất thế giới, nhìn thấy 10% mức sản xuất trong tương lai là không cần thiết.
- Gia Trịnh theo Reuters