Trong tương lai không xa, giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh của Campuchia sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn khi đường cao tốc nối liền hai thành phố này được xây dựng.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, ngày 25-4 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký bản ghi nhớ giữa hai nước để thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Phnom Penh – Bà Vẹt.
Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Campuchia trong hai ngày 24 và 25-4.
Theo biên bản ghi nhớ, hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng đường cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh – Phnom Penh, trong đó Việt Nam nghiên cứu đầu tư đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài dài 65km và phía Campuchia nghiên cứu đầu tư đoạn cao tốc từ thủ đô Phnom Penh đến Bà Vẹt dài khoảng 130km.
Được biết, tuyến cao tốc phía Campuchia được sự hỗ trợ của Nhật Bản hiện đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Còn cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài cũng đang được nghiên cứu với hướng tuyến đi song song với quốc lộ 22, tổng chiều dài khoảng 65km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối TP. Hồ Chí Minh với các khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Penh – TP. Hồ Chí Minh).
Ngoài ra hai bên tiếp tục thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải đường bộ. Trước đó, vào ngày 24-4 tại tỉnh Kandal (Campuchia), Việt Nam và Campuchia đã khánh thành cầu Long Bình – Chrey Thom nối giữa hai nước để rút ngắn quãng đường từ các tỉnh phía Nam của Việt Nam tới thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Cầu Long Bình – Chrey Thom nối hai tỉnh An Giang của Việt Nam và Kandal của Campuchia có tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 5,6km, trong đó phần cầu dài 439,6 mét.
Phần cầu phía Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, còn phần cầu phía Campuchia do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Việt Nam) thực hiện và phần đường dẫn vào cầu do Công ty Sok Sokha (Campuchia) thực hiện.
Tổng mức đầu tư của dự án là 38,39 triệu USD, trong đó kinh phí thực hiện phía bờ Việt Nam là 17,8 triệu USD, kinh phí thực hiện phía bờ Campuchia là 20,59 triệu USD. Phần kinh phí xây lắp, tư vấn và dự phòng phí phía Campuchia sử dụng vốn vay ưu đãi của chính phủ Việt Nam trị giá 18,76 triệu USD, các khoản chi phí còn lại sử dụng vốn ngân sách Campuchia.
Đây là công trình giao thông lớn thứ hai tại Campuchia được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chính phủ Việt Nam (công trình thứ nhất là quốc lộ 78).
Dự án cầu Long Bình – Chrey Thom là tuyến đường bộ ngắn nhất nối thủ đô Phnom Penh – Campuchia tới biên giới Việt Nam với chiều dài khoảng 70km, đồng thời thay thế cho bến phà hiện tại. Sau khi cầu đưa vào khai thác sẽ giúp thông thương cho khu vực cửa khẩu Khánh Bình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Trong một diễn biến khác liên quan đến ngành giao thông, dự án mở rộng và nâng cấp khu bay sẽ được khởi công vào tháng 9-2017 và hoàn thành trong tháng 6-2018, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt các hạng mục mở rộng sân đỗ máy bay khu 21 hécta đất quân sự.
Phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất vừa được Cục Hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải. Tờ trình điều chỉnh quy hoạch lần này được hoàn thiện dựa trên ý kiến các cuộc họp trước đây của Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo tờ trình, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng 43-45 triệu khách/năm, với 80-85 vị trí đỗ, đáp ứng khai thác các loại máy bay cỡ lớn.
Đối với khu bay vẫn giữ nguyên cấu hình hai đường băng, bổ sung một đường lăn song song và hai đường lăn thoát nhanh. Đối với khu nhà ga hành khách xây dựng bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm để nâng tổng công suất của sân bay lên 43-45 triệu khách/năm.
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 19.300 tỉ đồng và được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn vay…
Do tính cấp thiết của dự án, Cục Hàng không kiến nghị giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn để đầu tư một số hạng mục. Đối với hạng mục xây nhà ga hành khách mới, Cục Hàng không cũng đề xuất giao ACV chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư để xây dựng.
Mới đây, ACV cũng đề xuất thực hiện một số hạng mục tại khu bay gồm mở rộng sân đỗ máy bay khu 21 hécta đất quân sự; cải tạo, nâng cấp sân đỗ, đường tại khu bay; mở rộng sân đỗ máy bay phía bắc và đường lăn song song. Theo ACV, nếu được chấp thuận, dự án sân đỗ máy bay 21 hécta sẽ được khởi công vào tháng 9-2017 và hoàn thành trong tháng 6-2018.
Đối với hạng mục cải tạo, nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đỗ và đường khu bay, thời gian thi công dự kiến 16 tháng và chia làm hai giai đoạn. Trong đó, 12 tháng đầu tiên sẽ xây dựng mới đường lăn song song và đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh 25L/07R và đường lăn song song hiện hữu trên sân đỗ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 600 tỉ đồng.
Trong thời gian thi công, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không phải đóng cửa đường băng và máy bay vẫn vận hành bình thường trên hai đường băng và đường lăn hiện hữu.
Giai đoạn 2, sẽ cải tạo nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R/07L và các đường lăn nối. Khi thi công sẽ phải đóng cửa đường băng 25R/07L. Máy bay sẽ chỉ vận hành trên đường băng 25L/07R kết hợp với hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối được xây dựng trong giai đoạn 1.
Một thông tin được người dân TP.HCM quan tâm là hai cầu vượt nhằm giải tỏa ách tắc đường vào sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6. Hơn hai tháng trước đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khởi công hai cầu vượt này theo lệnh khẩn cấp của thủ tướng để giảm ùn tắc khẩn cấp ở khu vực Tân Sơn Nhất, tổng mức đầu tư gần 750 tỉ đồng.
Cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn và nhánh đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài được xây hình chữ Y, gồm: một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài hơn 300m, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài hơn 150m. Dự án có tổng mức đầu tư 242 tỉ đồng và sẽ hoàn thành sau sáu tháng.
Khi có cầu vượt, các xe vào sân bay và đi từ đường Trường Sơn ra đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi sẽ được phân luồng đi trên cầu, phía dưới nên không còn gặp nhau tại nút giao Trường Sơn. Vì thế, tình trạng ùn tắc như hiện nay sẽ không còn.
Cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn được xây bằng thép, hình chữ N, gồm nhánh hướng Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn; nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám, còn lại là nhánh từ đường Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn.
- Gia Minh