“Ai cũng có thể hoàn thành Ironman 70.3, chỉ cần dám tham gia (“dare to try”) và tập luyện nghiêm túc từ bốn đến sáu tháng”, đây là lời khẳng định của GS Dương Nguyên Vũ, Đại sứ Ironman đầu tiên của Việt Nam.
Để cổ vũ cho tinh thần “dám tham gia” của anh Nguyễn Ngọc Lân, CEO Công ty cổ phần Thiên Nhiên; chị Nguyễn Thị Gia Huệ, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản và trang trí nội thất và anh Kristof, Điều phối viên về công nghệ của khoa Ngôn ngữ và Tiếng Anh của Trường Đại học RMIT Việt Nam, Công ty Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) đã quyết định tài trợ cho ba vận động viên này trong cuộc thi Ironman 70.3 Đà Nẵng 2017 sắp tới.
Với Ironman, mọi thứ đều có thể
Cộng đồng ba môn phối hợp ở Việt Nam đã có những bước phát triển khả quan. Mới năm trước khi Hội ba môn phối hợp Việt Nam (Việt Nam Triathlon Club) mới thành lập thì chỉ có khoảng 100 người tham gia, đến nay hội đã có khoảng 1.000 thành viên trên mạng internet. Mục tiêu đến năm 2020, cộng đồng ba môn phối hợp Việt Nam sẽ chạm mốc 10.000 người.Ngày càng nhiều doanh nhân tham gia cộng đồng ba môn phối hợp và cuộc thi Ironman được tổ chức hằng năm. Người ta nhận thấy các thử thách của Ironman có những nét tương đồng với công việc của một nhà kinh doanh.
Trên thương trường, các nhà lãnh đạo thường phải có những bước đi liều lĩnh, dám nghĩ dám làm, vượt ra khỏi vòng tròn an toàn thì mới gặt hái được những thành công. Với Ironman nói riêng và thể thao nói chung cũng vậy, mọi đích đến đều có thể (Anything is possible), khi đã bước ra khỏi vùng an toàn thì khả năng của con người là vô hạn. Nguyễn Ngọc Lân cho biết, anh từng bị thương cổ chân nên không nghĩ mình có thể chạy bộ.Những lần đầu tập chạy, anh chỉ hoàn thành đoạn đường khoảng 1km là thở… không ra hơi. Nhưng nhờ có động lực từ khi đăng ký Ironman, anh đã kiên trì luyện tập và nay anh đã có thể chạy đến 20km. Chị Nguyễn Thị Gia Huệ cũng chia sẻ: “Ironman là bộ môn giúp tôi rèn luyện thể chất và tinh thần ở một mức độ cao nhất với tất cả ý chí và nghị lực. Và thật thú vị khi khám phá giới hạn bản thân, chiến thắng thử thách và làm được điều mà mọi người nói là không thể!”.
Tuy nhiên, người muốn chinh phục Ironman phải là những “bậc thầy” về kỷ luật với bản thân.Từ khi bắt đầu đăng ký, các vận động viên thường phải tập luyện tích cực trong khoảng thời gian từ bốn đến sáu tháng.Như vậy, “Người sắt tương lai” thường phải dành từ một đến hai giờ mỗi ngày cho việc luyện tập đồng thời phải ngủ đủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm.Với những người bận rộn đến mấy cũng phải cố gắng dành thời gian cho việc luyện tập và tự tạo động lực để không bỏ cuộc, đó là một nỗ lực lớn. Riêng chị Gia Huệ thì thời gian luyện tập phải rút ngắn do chấn thương mắt cá chân trong sáu tháng qua. Nay chị chỉ còn khoảng một tháng để chuẩn bị cho Ironman nên việc luyện tập rất “căng”. Mỗi ngày, chị dành từ tám đến mười giờ cho việc luyện tập, trong đó có từ ba đến năm giờ đạp xe, hai giờ chạy bộ, một giờ bơi, hai giờ tập tạ phòng gym nâng cao thể lực và yoga giãn cơ, uốn dẻo nhằm tăng sức dẻo dai của cơ thể. Buổi tối chị thường đi ngủ vào lúc 8 giờ tối để sáng hôm sau dậy thật sớm để luyện tập.
“Thể thao nói chung và triathlon có ích cho sức khỏe thể thất và tinh thần vì bạn phải vượt lên chính mình để tập luyện và thi đấu thì theo đó bạn đã hình thành thói quen tốt ngủ sớm, ngủ đủ giờ, ăn uống khoa học, tăng cường tập luyện giúp cơ thể khỏe hơn, bền sức hơn và như thế sẽ tác động tích cực đến tinh thần cho nên các doanh nhân sẽ có đầu óc tỉnh táo minh mẫn hơn trong điều hành công việc, sức bền mà thể thao mang lại sẽ giúp doanh nhân làm việc dài và hiệu quả! Thể chất khỏe mạnh thì hỗ trợ tinh thần minh mẫn, tinh thần mạnh mẽ thì mới chiến thắng thử thách tập luyện mà theo đó thể chất trở nên khỏe mạnh viên mãn”, chị Gia Huệ cho biết.
Ironman là phong cách sống
Trong ba vận động viên được Sơn Kim Land tài trợ tham gia Ironman 70.3 Đà Nẵng lần này, chỉ có anh Nguyễn Ngọc Lân là người tham gia lần đầu tiên. Anh đã từng đạp xe nhiều năm nhưng việc luyện tập cả ba môn phối hợp là một trải nghiệm rất mới mẻ. Anh cho biết: “Tôi muốn tham gia cả ba môn vì muốn thử thách bản thân, cũng là cách để bản thân thích nghi với một phong cách sống mới, đó là chinh phục những môn thể thao mà trước đó mình nghĩ sẽ khó vượt qua nổi”.
Anh Kristof đến từ Bỉ, quốc gia có lịch sử lâu đời về các môn thể thao cũng như ba môn phối hợp. Chính vì vậy, anh đã luyện tập cả ba môn bơi lội, đạp xe và chạy bộ từ lâu. Anh tham gia cuộc đua ba môn phối hợp lần đầu tiên vào năm 2004, tại Chiang Mai, Thái Lan. Trong những năm qua, anh cũng từng đạt nhiều thành tích tốt tại các giải chạy bộ, đạp xe tại Việt Nam và Malaysia như: Hạng nhất cuộc thi Triathlon Hội An năm 2010 và 2011, Hạng nhất cuộc thi Le Fruit Triathlon 2008, 2011 và 2013, Hạng nhất Desaru Half Ironman năm 2009-2010, Giải nhì Challenge Vietnam 2016, Hạng nhì cuộc đua HCMC 10km run 2017… tại Ironman 70.3 Đà Nẵng năm nay, anh đặt mục tiêu là một trong ba người dẫn đầu trong hạng mục mà mình tham gia.
Chị Gia Huệ cũng từng có những thành tích “đáng nể” như: Hạng nhất nữ Ironman 70.3 Đà Nẵng 2015, Hạng nhất nữ Ironman 70.3 Đà Nẵng 2016, giành được suất tham gia giải Vô địch thế giới Ironman tại Sunshine Coast, Australia. Chị cũng đạt hạng nhất nữ Việt Nam tại Triathlon Chanllenge Nha Trang, giành suất tham dự Challenge Roth 2017 tại Đức…
Theo chia sẻ của những “Người sắt” trong các năm trước thì hạnh phúc ở Ironman không phải là thắng người khác mà đó là trải nghiệm khi vượt qua giới hạn về thể chất, hoàn thành một cuộc đua. Đôi khi, để hoàn thành một cuộc đua, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự kiệt sức, mệt mỏi cơ bắp, chuột rút đau đớn nhưng trải nghiệm “hạnh phúc trong đau khổ” sẽ là một cảm giác không dễ có được và rất khó quên. Hơn nữa, theo cách nói của GS Dương Nguyên Vũ, “Thể thao nói chung và Ironman nói riêng là phong cách sống trải nghiệm hết mình với đời thực. Vì chơi thể thao là dấn thân vào cuộc sống, không mơ tưởng viễn vông và nhận biết đâu là giới hạn thật sự của mình”. Cùng quan điểm này, Kristof cho biết: “Lúc đầu, lý do chính khiến tôi tham gia vào môn thể thao là vì thách thức. Điều đó thay đổi nhanh chóng mặc dù khi tôi bắt đầu nhận ra rằng triathlon là một lối sống.Tôi liên tục học những điều mới về dinh dưỡng, cơ sinh học và các kỹ thuật khác liên quan đến ba môn thể thao.Quan trọng nhất, triathlon đã cho tôi cơ hội để phát triển kỹ năng sống như quản lý thời gian và tính kỷ luật”.
Có thể thấy, lối sống Ironman hẳn là một lối sống tích cực mà mọi người nên theo đuổi, nhất là doanh nhân và những người làm việc trí óc. Hy vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng các vận động viên “người sắt” như Sơn Kim Land, để ngày càng có nhiều người được trải nghiệm phong cách sống thực cũng như niềm hạnh phúc khi chiến thắng chính bản thân mình trong các cuộc đua Ironman.
- Thanh Nhã
Xem thêm: