Theo tài liệu mới nhất của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) vừa được công bố, năm 2016, sản lượng ngũ cốc toàn thế giới gia tăng, nhất là tại các khu vực Trung Mỹ, châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng hiện nay vẫn còn có đến 37 nước cần được hỗ trợ lương thực từ bên ngoài, trong đó có 28 nước tại châu Phi, chủ yếu do xung đột quân sự, hạn hán, hậu quả của hiện tượng El Nino trên mùa màng đã gieo trồng. Nạn đói đã được công bố chính thức tại Nam Sudan, còn ở bắc Nigeria, Somalia, Yemen, tình trạng an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn nhất của các chính phủ sở tại và cộng đồng quốc tế. Tình hình nghiêm trọng đến mức ông Phó tổng giám đốc FAO Kostas Stamoulis, phụ trách Cục Phát triển Kinh tế và Xã hội của tổ chức này, phải thốt lên: “Đây là một tình thế chưa từng thấy. Trước đây, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa về nạn đói ở nhiều nước cùng một lúc như thế!”. Và ông nói thêm rằng điều này đòi hỏi một phản ứng nhanh, trong đó bao gồm việc hỗ trợ lương thực khẩn cấp, đồng thời giúp đỡ đời sống người dân một cách lâu dài để những tình trạng như thế không còn tái diễn.
Hiện nay, một trong những nước mà FAO lo ngại nhất là Nam Sudan, với 100 ngàn người đang đứng trước nạn đói ở các quận Leer và Mayendit. Tính chung, có khoảng 4,9 triệu người trên khắp đất nước này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng về nhiều mặt. Tại bắc Nigeria, 8,1 triệu người đang sống trong những điều kiện thiếu an toàn thực phẩm nghiêm trọng, đòi hỏi có sự đáp ứng khẩn cấp của cộng đồng quốc tế để làm dịu tình hình và bảo vệ cuộc sống của họ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là những cuộc xung đột đang diễn ra và sự giảm giá nghiêm trọng của đồng Naira (tiền Nigeria). Trong khi đó, tại Yemen, cũng theo tài liệu của FAO, có đến 17 triệu người, chiếm 2/3 dân số trong nước, đang ở trong tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, trong số đó gần 50% cần hỗ trợ khẩn cấp. Tài liệu nêu rõ: “Nguy cơ phải công bố nạn đói ở nước này rất cao”. Tại Somalia, sự cộng hưởng giữa xung đột quân sự, bất an ninh dân sự, và nạn hạn hán khiến cho số người gặp nguy cơ tăng gấp đôi, trong vòng sáu tháng đã tăng lên 2,9 triệu người. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều nước khác, với những mức độ khác nhau, gồm Afghanistan, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Iraq, Myanmar và Syria, khiến hàng trăm triệu người trở thành mục tiêu của những hỗ trợ thường xuyên về lương thực và các tiện nghi tối thiểu khác trong đời sống.
- LHCT tổng hợp