Văn hóa văn nghệ là một trong những lĩnh vực thể hiện sự văn minh của loài người. Một bài hát, một áng văn sẽ an ủi và tưới mát những tâm hồn người, dù khi họ đang hạnh phúc hay đang khô héo, rối bời. Hiểu về những sản phẩm văn hóa như vậy thì công chúng hiểu luôn rằng nghệ sĩ và những người làm các công việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật đương nhiên là những người văn minh. Điều đó đâu có gì sai! Ấy nhưng buồn thay, liên tục có những vụ lùm xùm ở lĩnh vực văn hóa văn nghệ làm cho công chúng hoài nghi về sự văn minh của những người hoạt động trong mảng này. Công chúng có quyền hoài nghi và đám đông thì luôn quá khích. Hiểu điều ấy để thấy rằng dấn thân vào làm văn hóa văn nghệ là một lúc nào đó có thể sẽ phải đối mặt với những dư luận về mình, scandal có thể đến với bất cứ lúc nào và cách giải quyết vụ lùm xùm ấy cũng là cách thể hiện sự văn minh của một nghệ sĩ vậy. Và, với tình hình thông tin có thể lan truyền một cách chóng mặt trên các trang mạng xã hội thì việc xử lý chuyện ồn ào liên quan đến mình là một thử thách lớn với nghệ sĩ chứ chẳng phải chuyện đùa.
Vụ lùm xùm của ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Quang bắt đầu từ đoạn status mà nhạc sĩ này viết trên trang Facebook của mình với nội dung “tố” ca sĩ Ánh Tuyết lợi dụng tên tuổi và âm nhạc của bố mình để kiếm tiền, kiếm danh. Lời lẽ của nhạc sĩ Nguyễn Quang trong status ấy nghe chừng “xéo xắt” và ca sĩ Ánh Tuyết thì cũng viết những dòng hờn dỗi trên trang cá nhân của mình. Tiếp đó là bùng nổ những bài báo, bùng nổ những comment (bình luận) của bạn đọc, của người chơi Facebook xung quanh sự việc này. Người trong cuộc thì ai cũng cố gắng đưa ra những lý lẽ để chứng minh mình đúng còn bên kia thì sai. Nhạc sĩ thì bảo rằng ca sĩ chưa xin phép gia đình mà tự tổ chức đêm nhạc tưởng niệm bố mình, ca sĩ thì nói đã thực hiện các bước hợp lệ về pháp lý cho đêm nhạc chị định làm. Cho đến khi vụ việc có vẻ như đi đến chỗ cả hai người trong cuộc khó kiểm soát được thì họ đột ngột tuyên bố muốn khép vụ lùm xùm lại. Nhưng sự đời, bày bừa ra thì dễ, dọn dẹp lại mới khó cho nên đâu phải muốn khép lại là khép được ngay. Công chúng vẫn tiếp tục nhảy vào bình luận như những chuyên gia dày dạn trong mọi lĩnh vực và giờ đây có lẽ người trong cuộc cũng thấy mình dở khi để xảy ra điều đáng tiếc trên. Cuối cùng, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ tổ chức đêm nhạc, ca sĩ Ánh Tuyết thì nói rằng mình sẽ không dám hát bài hát nào của người nhạc sĩ mà chị luôn mến mộ như một người anh lớn. Một mối quan hệ đã từng tốt đẹp bị tan vỡ, không biết đến khi nào sẽ được hàn gắn? Ca sĩ và ca khúc liệu có còn tìm đến nhau? Công chúng thì vẫn hết lần này đến lần khác nghi ngờ về sự chân thành trong mối quan hệ của các nghệ sĩ. Mất mát trong vụ này chính là nhạc sĩ và ca sĩ trong cuộc, cả về tình cảm giữa hai bên, cơ hội kiếm tiền và hình ảnh đã xấu đi trong mắt công chúng. Rõ ràng, khi “châm ngòi” cho vụ tai tiếng rõ ràng nhạc sĩ này đã không đặt những nhạc phẩm của cha anh lên đầu. Nếu nghĩ, có lẽ anh đã để cho ca sĩ Ánh Tuyết – người thể hiện tốt các nhạc Nguyễn Ánh 9 – tổ chức đêm nhạc ở nơi chị muốn, còn anh vẫn sẽ tổ chức một đêm khác có sao đâu.
Song song với vụ ồn ào kể trên, khán giả nhạc Việt vừa qua cũng bàng hoàng khi hay tin dừng lưu hành ca khúc Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Tô Đình Phương) cùng với bốn bài hát khác vì đều bị sai lời. Trong đó, khán giả quan tâm đến bài hát Con đường xưa em đi nhất, liệu rằng bài hát có được cấp phép trở lại không? Ông Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) cho biết rằng Cục NTBD sẽ xem xét cho lưu hành trở lại nếu có đơn vị đề nghị cấp phép trở lại với các bản gốc chuẩn. Nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã đưa ra bản gốc ca khúc Con đường xưa em đi và công chúng thì vẫn cứ phải đợi Cục NTBD… xem xét và tại sao phải có đơn vị đề nghị cấp phép trở lại thì mới xem xét mà không phải là đương nhiên được hát trở lại khi các yêu cầu của cơ quan chức năng đã được đáp ứng? Còn nhớ cuối năm 2016, ca khúc Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được cấp phép lưu hành sau 40 năm bị cấm đã khiến công chúng mừng vui như thế nào? Các chương trình ca nhạc mừng xuân trên các đài truyền hình cũng đã rộn ràng giai điệu của ca khúc ấy. Thế nhưng, khán giả cả nước chưa mừng vui được bao lâu thì có tin các ca khúc khác bị dừng lưu hành – câu chuyện cấm và cấp phép lại tiếp tục xôn xao trên báo chí và mạng xã hội. Người yêu nhạc ngoài việc hòa cảm xúc cùng với những giai điệu mà mình yêu thích còn phải phập phồng cùng cái lý của những người có quyền đưa các ca khúc ấy đi về đâu. Bao giờ khán giả mới hết hồi hộp để theo dõi số phận của những tác phẩm nghệ thuật sẽ như thế nào khi nằm trong tay các cơ quan chức năng? Cục NTBD ban hành một lệnh cấm khi tìm hiểu chưa kỹ và đưa ra những lý do mà bất cứ ai cũng có thể bắt bẻ được thì đó có phải là một quyết định cảm tính? Dừng lưu hành một ca khúc đâu phải là một lời nói chơi.
Một sản phẩm văn hóa khác ở TP.HCM là Đường sách Nguyễn Văn Bình, một sáng nọ náo loạn vì ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM đòi dẹp mấy bục gỗ phía trong đường sách và đòi các gian hàng phải cho ông xem giấy tờ, bản vẽ, bốc thăm… Những người có mặt ở đường sách sáng ấy đều thắc mắc rằng những bục gỗ quanh gốc cây để cho người đi bộ dừng chân nghỉ ngơi thì vì cớ gì mà dỡ bỏ, các gian hàng đã được cấp phép hoạt động thì sao phải rà soát lại. Trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của mình, ông Hải đã đánh đồng tất cả các con đường đều như nhau mà quên mất rằng đường Nguyễn Văn Bình không còn công năng là đường giao thông nữa mà nó đã thành con đường văn hóa nên không thể nói các hạng mục ở đó đang chiếm dụng lòng, lề đường. Thêm một lo ngại nữa trong việc dọn dẹp vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải là khi ông đem các bức tượng trang trí trước các khách sạn, các bảng hiệu… thì liệu có kho bãi nào đủ để bảo quản được những tài sản tạm cất đó không? Khi các nơi đã đóng phạt và có quyền nhận lại những thứ ông Hải đã cho đem đi thì liệu “hình hài” có còn được như lúc đầu? Câu hỏi đó không phải là không có lý khi người ta thấy hai bức tượng sư tử trước một khách sạn đang bị để chỏng chơ trước Nhà hát Bến Thành.
Qua những vụ lùm xùm như thế này mới thấy để làm người văn minh tưởng dễ mà khó. Lúc bình thường, yên ấm thì ai nói cũng dễ nghe, đến khi gặp chuyện thì rất dễ bị cái tôi to tướng cản trở mình làm người văn minh, từ việc người ứng xử với người cho tới việc người ứng xử với văn hóa. Đáng buồn là các sản phẩm văn hóa văn nghệ của xứ mình chưa được cư xử đúng mực – đôi khi còn bị tác động thô bạo. Chợt nhớ đến một đoạn phim Discovery quay một buổi triển lãm tranh của một bảo tàng ở Nhật Bản. Đại loại, bảo tàng này đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để thuê bức tranh của một danh họa về trưng bày. Tại đây, người ta cho đo từng chỉ số cho sự kiện này, lượt người xem, số vé bán ra, lợi nhuận bảo tàng thu được, gu thưởng thức hội họa của người Nhật, giá cổ phiếu của bảo tàng như thế nào sau sự kiện này và những lợi nhuận không đo bằng tiền như danh tiếng của bảo tàng v.v… Người ta đã làm văn hóa đến mức vậy, còn chúng ta sao vẫn mải loay hoay với những xung đột không đáng có?
- Lâm Hạnh