Một trong những khu vực đang được cả thế giới chú trọng là Cận Đông và Bắc Phi. Khu vực này vừa là nơi xuất phát, vừa là nơi tiếp nhận người di cư, tỵ nạn và những người phải rời bỏ nơi cư trú khác. Theo dữ liệu mới nhất, hiện có 10% cộng đồng nông thôn hình thành bởi những người phải rời bỏ nơi cư trú; mặt khác cũng có hơn 25% người trẻ sống ở nông thôn đang muốn rời bỏ nơi ruộng đồng của họ. Trong những năm qua, việc người dân buộc phải rời bỏ chỗ ở đã trở thành một vấn đề toàn cầu mà nguyên nhân xuất phát từ các cuộc xung đột vũ trang, bạo lực, khủng bố, vi phạm nhân quyền… Số người rời bỏ nơi ở hiện nay đã lên đến con số kỷ lục là 65 triệu người, trong đó khoảng 22 triệu người sống ở vùng Cận Đông và Bắc Phi, nơi xung đột và bạo lực đang hoành hành ở Iraq, Syria, Yemen và những nước lân cận.
Mới đây, thông qua tổ chức cơ hữu là Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), LHQ đã đưa ra sáng kiến FARMS nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống của dân tỵ nạn, di cư hay rời bỏ nơi cư ngụ vì nhiều lý do khác nhau. Đối tượng nhắm đến của sáng kiến này bao gồm cả người tỵ nạn quốc tế lẫn tỵ nạn nội địa. Với những nước tiếp nhận người tỵ nạn (và người di cư), FARMS sẽ hỗ trợ họ trong việc tăng năng suất nông nghiệp và sản xuất ổn định, đồng thời giúp cho người tỵ nạn có điều kiện đóng góp tốt hơn vào cộng đồng nơi tiếp nhận họ và sẵn sàng quay về nhà khi tình hình được cải thiện. Với đất nước nơi người tỵ nạn bỏ ra đi, FARMS sẽ tạo cơ hội về kinh tế để người dân của họ sớm quay về.
Để điều hành chương trình đã vạch ra, FARMS được cấp bước đầu 20 triệu USD trong ngân khoản dự trù 100 triệu USD. Số tiền này đóng góp vào ngân khoản chung của IFAD khoảng 1,2 tỉ USD dành cho khu vực Trung Đông và bắc Phi (MENA). Về phần mình, FARMS sẽ thực hiện mấy bước cụ thể:
- Tạo ra 1 triệu ngày công lao động, bao gồm ít nhất 20 ngàn cơ hội cho tuổi trẻ.
- Thực hiện ít nhất 500 dự án hạ tầng cơ sở cộng đồng và tăng cường khả năng của cộng đồng cũng như chính phủ nước sở tại trong việc vận hành sự phát triển của họ, giải quyết các cuộc xung đột và thỏa mãn nhu cầu của người tỵ nạn
- Cải tiến sự quản lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt đất và nước, đồng thời cải thiện chính sách và khung pháp lý để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nông thôn ở cả nước tiếp nhận người tỵ nạn và nước từ đó người tỵ nạn ra đi.
Trong thời gian trước mắt, 10 nước được ưu tiên hỗ trợ theo sáng kiến FARMS và trong khuôn khổ chương trình hoạt động của IFAD, gồm: Djibouti, Ai Cập, Jordan, Lebanon, Morocco, Somalia, Sudan, Tuinisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen.
Nhiều nước thành viên của IFAD sẽ tài trợ mạnh mẽ cho tổ chức này cũng như cho FARMS, trong đó có các nước Jordan, Iraq, Lebanon và Sudan. Từ đó, IFAD sẽ đầu tư cho người nông dân tại nhiều nước, giúp họ giảm nghèo, gia tăng mức độ an toàn lương thực, chất lượng dinh dưỡng, và khả năng phục hồi. Từ khi thành lập vào năm 1978 đến nay, tổ chức này của LHQ đã trợ cấp 18,5 tỉ USD, cho vay với lãi suất thấp những dự án có liên quan đến cuộc sống của khoảng 464 triệu người.
- LHCT tổng hợp