Những năm gần đây, du học bậc đại học là sự lựa chọn hàng đầu và cũng là niềm mơ ước của nhiều học sinh năm cuối bậc trung học phổ thông (THPT) ở nước ta. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện về học lực để được các trường đại học nước ngoài chấp nhận hồ sơ, cũng như không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện tài chính để lo cho con em mình suốt những năm đại học ở xứ người. Đó là chưa kể, tham dự và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia là điều bắt buộc trước khi nghĩ đến bậc đại học. Chính vì vậy, hiểu rõ về kỳ thi này để vượt qua và hướng đến những bậc học cao hơn là rất quan trọng đối với các học sinh cũng như phụ huynh, nhất là khi kỳ thi 2017 đang đến gần.
Được biết, từ nhiều năm nay, báo Giáo dục TP.HCM, chuyên đề VTM và Công ty truyền thông NVV đã đồng hành cùng học sinh trước mỗi kỳ thi, đem đến những thông tin cần thiết và hữu ích về mùa thi dành cho học sinh các trường THPT chuẩn bị tham gia kỳ thi quốc gia. Năm nay, chương trình Tư vấn mùa thi 2017 “Cùng VTM định hướng tương lai” tiếp tục cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho học sinh cùng phụ huynh quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH – CĐ 2017.
Về cơ cấu của kỳ thi, thành viên ban tư vấn, ông Nguyễn Quốc Cường – nguyên Chuyên viên Tư vấn Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có năm bài thi, gồm ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Giữa các phân môn của bài thi tổ hợp sẽ có thời gian nghỉ để thu lại giấy nháp và đề thi của phân môn đó; học sinh sẽ được phát giấy nháp mới và đề của phân môn tiếp theo. Học sinh không phải nộp lại giấy nháp và đề của môn thi thành phần cuối cùng.
Liên quan đến tuyển sinh ĐH – CĐ, năm nay học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cùng với đăng ký xét tuyển ĐH – CĐ. Trong phiếu đăng ký dự thi có bốn phần, bao gồm thông tin cá nhân, các thông tin về bài thi hoặc môn thi, xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH – CĐ, học sinh phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký dự thi, đặc biệt về chế độ chính sách, ưu tiên, lựa chọn môn thi sở trường và nguyện vọng phù hợp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Khác với năm trước, năm nay, việc xét tuyển ĐH – CĐ không hạn chế số nguyện vọng và số trường. Ông Cường cũng lưu ý các em học sinh không nên sử dụng sim “rác” (sim kích hoạt sẵn để bán) để đăng ký hồ sơ: “Học sinh thường sử dụng sim rác một thời gian rồi vứt đi hoặc số này hết hạn. Trong thời gian này các em cần sử dụng một số điện thoại được đăng ký sử dụng, tránh tình trạng các em không nhận được thông tin quan trọng từ hệ thống”.
Bên cạnh đó, năm nay, theo thống kê của ông Nguyễn Quốc Cường, tất cả các trường đại học có khoảng 250 tổ hợp các môn thi khác nhau, chưa tính đến các tổ hợp môn xét tuyển, chính vì vậy việc lựa chọn cho mình một tổ hợp môn thi phù hợp với ngành mình chọn là vô cùng quan trọng.
Tại chương trình, các học sinh còn được tư vấn theo từng nhóm ngành nghề, tìm hiểu về các ngành đào tạo, thị trường lao động, nhóm ngành nghề thị trường lao động đang cần… Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Chọn trường, hay cả việc chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân là một vấn đề vô cùng quan trọng, không phải phụ thuộc vào cảm tính cá nhân mà đòi hỏi có sự tính toán, cân nhắc, quyết định và đeo đuổi, điều chỉnh để xây dựng cho mình một giá trị hành nghề”.
Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh bày tỏ sự lo ngại về cơ hội việc làm đối với một số ngành có dấu hiệu bão hòa như kinh tế, sư phạm…, trong khi một số khác băn khoăn các ngành như quản lý văn hóa, tâm lý học, công tác xã hội… có dễ xin việc làm hay không. Ban tư vấn đã đưa ra lời khuyên, rằng trước khi chọn ngành nghề, học sinh cần cân nhắc kỹ các yếu tố: sở thích, sở trường, cơ hội trúng tuyển và nhu cầu xã hội. Học sinh cũng nên tham khảo thông tin tuyển sinh được đăng tải trên website của các trường, trong đó có thông tin về tiêu chuẩn đầu ra để có lựa chọn phù hợp.
Một trong những vấn đề được học sinh và phụ huynh quan tâm nhiều là làm thế nào để giảm căng thẳng trước và trong kỳ thi. Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó chủ nhiệm bộ môn Khoa học hành vi và Y đức ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tư vấn rất cụ thể về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Dù khối lượng kiến thức phải học là rất nhiều, học sinh cũng không được thức khuya mà hãy ngủ sớm, dậy sớm thì sẽ tốt hơn. Điều quan trọng là nắm vững kiến thức và phân bố quỹ thời gian hợp lý để cân bằng giữa việc học và sức khỏe. Không nên lạm dụng các thức uống nhiều chất kích thích như trà, cà phê…, càng làm cơ thể “căng ra” mệt mỏi. Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh: “Các bạn cần phải ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng, từ nhóm chất bột, chất béo, nhóm chất đạm và các nhóm vitamin, muối khoáng, đặc biệt là chất sắt. Trường hợp da xanh xao, hay lo lắng là một trong những hậu quả của thiếu máu, thiếu sắt vì vậy các bạn cần bổ sung nhiều lượng chất này. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa chính là việc lười vận động. Thi cử thực ra cũng là một hoạt động vận động mạnh, chính vì vậy trong quá trình ôn luyện các bạn cũng cần dành một khoảng thời gian nhất định để tập luyện thể thao, vận động”.
- Mai Khôi