Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang ở thời điểm khởi sắc, thất nghiệp thấp nhất trong tám năm qua từ thời Tổng thống Obama với tỷ lệ 4,9%, ông Donald Trump vẫn muốn thúc đẩy cắt giảm thuế nhiều hơn, tăng chi tiêu công về cơ sở vật chất, ngân sách quốc phòng. Những chính sách này gần như chắc chắn sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất một vài lần trong năm 2017 nhằm ngăn chặn lạm phát.
Bên cạnh đó, hầu hết giới phân tích đều dự đoán đồng USD sẽ mạnh lên trong năm 2017 khiến giá trị của đồng bạc xanh tăng hơn 1/3 so với mức thấp kỷ lục khi Mỹ bị đánh tụt hạng tín dụng vào năm 2011. Dự đoán này chủ yếu dựa trên niềm tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tốt, củng cố kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong năm 2017.
Lãi suất cao hơn sẽ khiến việc tích trữ tài sản bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn và nhờ đó thu hút nguồn tiền đổ vào Mỹ. Đồng USD mạnh lên làm tăng sức mua của người tiêu dùng và giới kinh doanh Mỹ, bởi hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn và chi phí đi du lịch nước ngoài sẽ giảm.
Tuy vậy, đồng USD mạnh lại gây phương hại tới các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ vì hàng hóa của Mỹ sẽ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài hơn, dẫn đến hệ quả lợi nhuận công ty giảm và có nguy cơ tác động xấu tới cổ phiếu.
Trao đổi với tờ The Wall Street Journal, ông Alan Ruskin – người phụ trách chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Deutsche Bank – cho biết, những kỳ vọng vào các gói kích thích tài chính dưới thời Tổng thống Trump “đã tiếp thêm sức mạnh tuyệt đối cho đồng USD” và “đây là sự thay đổi quan trọng trong các động lực chính sách”.
Chỉ số đồng USD của tờ The Wall Street Journal Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD so với một rổ gồm 16 đồng tiền, đã tăng 3,1% trong năm 2016, chủ yếu nhờ đồng USD tăng mạnh giá trị so với đồng euro, đồng yen và các đồng tiền của những thị trường mới nổi trong những ngày cuối năm 2016.
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng những đề xuất của ông Trump đối với chi tiêu vào hạ tầng cơ sở và cắt giảm thuế có thể không thu được kết quả như mong muốn.
Lịch sử cũng cho thấy, những đợt kích thích tài chính trước đây đã tạo những tác động khác nhau lên đồng tiền của Mỹ. Đơn cử như chỉ số ICE Dollar đã tăng hơn 80% trong khoảng năm 1981-1985 nhờ một loạt những biện pháp kích thích tài chính được chính quyền Tổng thống Ronald Reagan thông qua, cũng như một loạt đợt tăng lãi suất của Fed trong những năm đầu thập niên 1980.
Trái lại, theo một báo cáo của Deutsche Bank, những khoản giảm thuế dưới thời Tổng thống George W. Bush lại không nâng được giá trị đồng USD vào những năm 2000, do chúng bị đi kèm với cách tiếp cận nới lỏng tiền tệ của Fed và các thị trường chứng khoán bất ổn.
- Đ.N