Một kho tàng các tác phẩm mỹ thuật mà giá trị ước tính lên đến trên 1 tỉ USD sẽ được chuyển giao cho một bảo tàng ở Bern (Thụy Sĩ) theo di chúc của Cornelius Gurlitt, nhân vật đã gây bão dư luận vào năm 2012 khi mà cả ngàn bức tranh của các bậc thầy hội họa được tìm thấy trong căn hộ của ông ở Munich. Dù việc xác định nguồn gốc các tác phẩm trong kho tàng ấy rất phức tạp và phải mất vài năm, song đây có thể là món quà lớn nhất trong lịch sử mỹ thuật mà một bảo tàng được nhận.
Hồi giữa tháng 12-2016, một tòa án ở thành phố Munich (Đức) ra phán quyết khẳng định rằng Cornelius Gurlitt – con trai của Hildebrand Gurlitt, nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật hàng đầu dưới chế độ Hitler, hoàn toàn minh mẫn khi viết di chúc hiến tặng bộ sưu tập khổng lồ và “có vấn đề” của ông ta cho Bảo tàng mỹ thuật của thành phố Bern, một bảo tàng không lớn nhưng có lịch sử lâu đời nhất tại Thụy Sĩ với bộ sưu tập tác phẩm trải dài 800 năm. Sau khi viết di chúc, Cornelius Gurlitt qua đời vào tháng 4-2014 ở tuổi 81. Đến tháng 11-2014, cháu gái của ông là Uta Werner đưa ra tuyên bố cho rằng khi viết chúc thư Cornelius Gurlitt đã sa sút trí năng (dementia) và chính bà mới là người thừa hưởng bộ sưu tập thay vì nó được hiến cho Bảo tàng Bern. Phán quyết của tòa án Munich đã bác bỏ tuyên bố của Uta Werner và với phán quyết này, khoảng 1.500 tác phẩm gồm tranh, tranh in và bản khắc gỗ của các tác giả Gustave Courbet, Pierre-Auguste Renoir, Claude Monet, Paul Cezanne, Pablo Picasso, Ernst Ludwig Kirchner, Otto Dix, Henri Matisse… sẽ được chuyển giao cho Bảo tàng Bern.
Được phát hiện vào năm 2012, sau đó vào năm 2014 tại các căn hộ của ông Gurlitt ở Munich và Salzburg (Áo), trong kho tàng ấy có rất nhiều tác phẩm được cho là đã bị phát xít Đức cướp bóc từ nhiều nguồn khác nhau – chủ yếu là từ các bộ sưu tập mà chủ nhân là người Do Thái – khi chúng xâm lược nhiều quốc gia châu Âu trong Thế chiến II. Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Đức DPA, tiến sĩ Marcel Brülhart thuộc Bảo tàng Bern cho biết sẽ phải mất khoảng hai năm để thẩm tra nguồn gốc của toàn bộ tác phẩm, sau đó sẽ tổ chức triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn cùng lúc tại Đức và Thụy Sĩ.
Kho tàng tranh nói trên được phát hiện một cách tình cờ vào tháng 2-2012 từ một cuộc điều tra về trốn thuế của Cornelius Gurlitt. Các nhân viên thuế vụ đã xin được lệnh khám xét căn hộ của nhà sưu tập sống khép kín ở quận Schwabing của Munich và khám phá 1.406 tác phẩm của các bậc thầy hội họa được cất giấu tại đây, phần lớn đều trong tình trạng hoàn hảo. Ngay sau đó, ủy viên công tố của bang Bavaria đã ra lệnh tịch thu toàn bộ kho tàng tranh được ước tính trị giá khoảng 1,24 tỉ USD này. Vụ việc đã gây rung động thế giới mỹ thuật không chỉ bởi số lượng tranh được tìm thấy mà còn bởi có bằng chứng cho thấy nhiều tác phẩm đã bị phát xít Đức chiếm đoạt, từ đó trở thành tài sản của Hildebrand Gurlitt. Là người thừa kế khối tài sản khổng lồ này, Cornelius Gurlitt đã sống gần như tách khỏi xã hội trong nhiều năm, thậm chí không cho phép ai đến căn hộ của ông, kể cả những người thân trong gia đình.
Cornelius Gurlitt đã không ngăn trở việc tịch thu bộ sưu tập tranh của ông nhưng từ chối hợp tác với các nhà điều tra để làm rõ nguồn gốc các tác phẩm. Tuy nhiên vào ngày 7-4-2014, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Cornelius Gurlitt và chính quyền bang Bavaria, theo đó những gì bị tịch thu tại căn hộ ở Munich sẽ được trả lại để đổi lấy sự hợp tác của ông nhằm xác định đâu là những bức tranh bị phát xít Đức chiếm đoạt và hoàn trả cho chủ nhân đích thực của chúng. Thế nhưng, chỉ một tháng sau khi có được bản thỏa thuận đó thì Cornelius Gurlitt đột ngột qua đời vào ngày 6-5-2014, để lại bản di chúc thế kỷ. Những người thân cận với ông tiết lộ với một tờ báo ở Mỹ rằng, sở dĩ ông quyết định hiến tặng bộ sưu tập cho một bảo tàng nước ngoài vì nước Đức đã hành xử không đẹp với cha con ông. Nhưng quyết định đó đã gây nên những tranh cãi chung quanh việc Bảo tàng Bern chấp nhận sự hiến tặng, đòi hỏi bảo tàng phải truy tìm nguồn gốc toàn bộ số tranh cũng như phải hoàn trả cho khổ chủ các tác phẩm đã bị Đức quốc xã chiếm đoạt. Trước đó, vài tác phẩm đã “châu về hợp phố” sau khi được xác minh nguồn gốc: bức tranh chân dung Thiếu phụ ngồi trên ghế bành do Henri Matisse vẽ đã được hoàn trả cho người thừa kế của nhà buôn tranh người Pháp Paul Rosenberg; hay bức Hai kỵ sĩ trên bờ biển, tác phẩm của Max Liebermann đã được hoàn trả cho người thừa kế của nhà công nghiệp Đức gốc Do Thái David Friedmann (sau đó được bán tại nhà Sotheby’s ngày 24-6-2015 với giá 2.290.000 USD).
Hiện nay, khoảng hơn 1.005 bức tranh đang được một nhóm chuyên gia thẩm định nguồn gốc. Bà Andrea Baresel-Brand, người phụ trách nhóm chuyên gia cho biết đã xác định được 680 bức có khả năng là tranh bị phát xít Đức chiếm đoạt trong chiến tranh. Điều này khác xa với một nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Đức về tài sản văn hóa bị mất (German Center of Lost Cultural Property) được tiến hành trong hai năm và được công bố hồi đầu năm 2016, theo đó chỉ có 11 trong số 1.500 tác phẩm là chưa rõ nguồn gốc và chỉ có năm tác phẩm được coi là bị phát xít Đức cướp bóc. Nhóm chuyên gia đã lên một danh sách 91 tác phẩm đã có lý lịch chi tiết về sở hữu chủ, song vẫn đòi hỏi nghiên cứu cặn kẽ hơn. Họ cũng hình thành một hệ thống quy chuẩn màu sắc, theo đó những tác phẩm được đánh dấu với màu đỏ là tranh bị chiếm đoạt, màu xanh là tranh có nguồn gốc minh bạch, rõ ràng và màu hổ phách là tranh còn trong nghi vấn. Bà Baresel-Brand cũng thừa nhận công việc của nhóm chuyên gia là cực kỳ khó khăn, phải truy tìm chủ nhân từng bức qua nhiều thập niên trên cơ sở dữ liệu thu thập từ Đức, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. “Thật không may là phần lớn số tranh chúng tôi thẩm tra lại thuộc khu vực màu hổ phách”, bà Baresel-Brand cho biết.
- Lê Bản