Ngày 14-12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ hai tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo Bloomberg, lãi suất cơ bản đồng USD được nâng thêm 0,25% lên ngưỡng từ 0,5% đến 0,75%. Dù đã được điều chỉnh tăng nhưng mức lãi suất này vẫn thấp nếu so với lịch sử lãi suất đồng USD.
Toàn bộ 10 thành viên chủ chốt trong Ủy ban Thị trường mở của FED (FOMC) đã đồng loạt bỏ phiếu chấp thuận nâng lãi suất đồng USD. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng gần đây FED có được sự đồng thuận cao đến như vậy. Tuy nhiên, FOMC cũng khẳng định vẫn cần có những chính sách nhất định hỗ trợ cho kinh tế Mỹ.
Trong thông báo về quyết định nâng lãi suất, Chủ tịch FED Janet Yellen khẳng định kinh tế Mỹ hiện đang tăng trưởng tốt, chính vì vậy cơ quan này đã tăng lãi suất và cho biết quyết định tương tự nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong năm 2017.
Bà khẳng định hiện tại thị trường lao động Mỹ không cần đến các gói kích thích tài khóa, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới, lạm phát lên sát mức mục tiêu 2%, chính vì vậy chính sách lãi suất cần phải thay đổi.
Trong vòng ba năm giữ chức chủ tịch FED, đây là lần thứ hai bà Yellen nâng lãi suất đồng USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, FED sẽ tiếp tục phải dõi theo định hướng chính sách kinh tế của tổng thống mới đắc cử, ông Donald Trump, để định hướng chính sách tiền tệ.
FED cũng công bố dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, theo đó trong những năm tới, kinh tế nước này nhiều khả năng vẫn tăng trưởng 2%/năm. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tháng 11-2016 đứng ở mức 4,6%. Lạm phát được kỳ vọng sẽ sớm đạt mức mục tiêu 2%.
Đội ngũ tư vấn chính sách kinh tế của ông Donald Trump hiện đang đặt mục tiêu đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng khoảng từ 3 đến 4% nhờ hàng loạt chính sách giảm thuế, nới lỏng bớt các quy định khắt khe với doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định FED sẽ buộc phải nâng lãi suất nhiều hơn nữa nếu ông Donald Trump tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khiến giá cả và nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa tăng cao. Đểứng phó với lạm phát, FED sẽ phải tăng lãi suất.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mỹ đã liên tục hạ lãi suất rồi bơm tiền ào ạt khiến nhiều người, kể cả tại Mỹ, cho rằng đã đến ngày tàn của chủ nghĩa tư bản và vai trò của kinh tế Mỹ, trong khi nhiều quốc gia khác được hưởng lợi nhờ đồng USD giảm giá.
Vào giữa năm 2013, FED thông báo quyết định giảm dần việc bơm tiền và tăng lãi suất, giá trị của đồng USD bắt đầu đi lên. Mặc dù kinh tế Mỹ có bị suy trầm nhưng so với nhiều nơi khác như châu Âu hay Nhật Bản thì đồng USD vẫn là ngoại tệ đáng tin cậy hơn cả.
Được biết vào năm 1944 Mỹ và các đồng minh phương Tây đã xây dựng lại một cấu trúc tài chính quốc tế để tránh các rủi ro biến động tài chính và khủng hoảng kinh tế từng góp phần gây ra chiến tranh. Đó là hội nghị tại Bretton Woods và sự ra đời của các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế – tiền thân của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày nay.
Hội nghịấy quy định ngoại tệ của các nước không còn định giá theo vàng, tức là từ bỏ chế độ kim bản vị, mà neo giá vào tiền Mỹ theo tỷ lệ nhất định giữa đồng USD và vàng. Cụ thể là 35 USD tương đương một troy ounce, khoảng 31 gram vàng.
Hiện đồng USD vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trên thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng USD và đồng bạc này chiếm hơn 63% dự trữ ngoại tệ của các nước.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khi kinh tế châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì dường như lưu giữ tài sản bằng đồng USD là cách an toàn nhất. Nghịch lý ở đây là mọi người vẫn cần USD trong khi thế giới lại lo rằng với việc ông Donald Trump trở thành tổng thống thì nước Mỹ sẽ rơi vào giai đoạn bất trắc. Thật ra điều bất trắc là thế giới sẽ thiếu USD và kinh tế thế giới thiếu thanh khoản để giải quyết nhu cầu chi dụng.
Mỗi quốc gia sẽ gặp phải rủi ro khác nhau liên quan đến việc USD tăng giá, tùy thuộc hoàn cảnh từng nước căn cứ trên các yếu tố như dự trữ ngoại tệ, nợ công tính bằng USD, cán cân tài khoản vãng lai, tổng sản lượng quốc nội (GDP). Trên các cơ sở đó, những nước như Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile và Ai Cập đang đối mặt với nhiều nguy cơ nhất, sau đó mới là cảnh ngộ ngặt nghèo của bảy nước khác trong đó có Hy Lạp, Argentina, Mexico, Peru, tức là những nước nợ nhiều mà dự trữ ngoại tệ chưa đủ lớn.
Ngoài các quốc gia trên, kinh tế Trung Quốc đáng ngại hơn cả mặc dù là nước có GDP đứng thứ hai trên thế giới và dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 3.000 tỉ USD. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn neo giá nhân dân tệ (NDT) vào đôla Mỹ, và khi đồng tiền xanh lên giá thì trong 18 tháng qua Trung Quốc ấn định tỷ giá đồng NDT thấp hơn so với USD khoảng 12% kể từ đầu năm 2014. Những tưởng tiền rẻ sẽ giúp xuất khẩu để kích thích sản xuất, nhưng hậu quả lại là nạn tẩu tán tư bản và doanh nghiệp dùng USD đầu tư ra nước ngoài.
Để tránh tình trạng đó, Bắc Kinh đưa ra biện pháp trái ngược là bán USD nhằm giữ giá đồng NDT, như vậy lại càng mất ngoại tệ. Kể từ năm 2014, ngoại tệ của Bắc Kinh hao hụt mất 1/4, từ gần 4.000 tỉ thì chỉ còn hơn 3.000 tỉ USD.
Nếu đồng USD tiếp tục lên giá thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc càng bị giảm sút hơn. Tuần trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump cáo buộc Trung Quốc lũng đoạn hối đoái khi phá giá đồng bạc và cảnh báo Mỹ sẽ có biện pháp trả đũa. Hậu quả là đồng NDT càng sụt giá và nạn chảy máu ngoại tệ càng tăng.
- Viết Đỉnh tổng hợp