Giá dầu thô ngày 30-11 tăng 9% so với ngày trước đó, sau khi các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đồng ý cắt sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 30-11, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt thỏa thuận vào đầu năm 2017 sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, từ mức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày.
Ngay sau thông tin trên, giá dầu trên các thị trường lớn của thế giới tăng mạnh. Giá dầu Brent lên vượt mức 50 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn một tháng.
Theo Wall Street Journal, nhiều chuyên gia trên thị trường năng lượng đánh giá mức giảm này đủ lớn để giúp giảm mạnh tình trạng dư thừa dầu hiện nay.
OPEC cũng nêu mục tiêu duy trì giá dầu trong khoảng từ 50-60 USD/thùng để cứu nền kinh tế nhiều nước thành viên, vốn đã quá khó khăn sau hai năm giá dầu giảm sâu.
Arab Saudi chấp nhận giảm sản lượng nhiều nhất, 486.000 thùng/ngày, xuống 10,06 triệu thùng/ngày.
Iran được phép tăng sản lượng nhẹ so với mức từ tháng 10-2016. Đây được xem là thành công của Iran khi nước này khẳng định cần lấy lại thị phần bị mất vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các nước sản xuất dầu ngoài OPEC cũng nhất trí giảm sản lượng bớt 600.000 thùng/ngày, trong đó Nga sẽ giảm 300.000 thùng/ngày. OPEC sẽ họp nhóm với các nước phi thành viên vào ngày 9-12.
Quan điểm mới nhất của OPEC giảm sản lượng tương phản hoàn toàn với chiến lược của họ vào tháng 11-2014, khi nhóm này để các nước thành viên thoải mái tăng sản lượng dầu nhằm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chính quyết định đó của OPEC đã dẫn đến tình trạng dư thừa dầu trên thị trường năng lượng thế giới, vốn đã dư cung từ trước đó. Giá dầu giảm không ngừng xuống ngưỡng khoảng 30 USD/thùng và tiềm ẩn rủi ro gây suy thoái kinh tế tại nhiều nước trên thế giới.
Mới đây, Goldman Sachs công bố dự báo thị trường dầu sẽ bắt đầu thiếu dầu từ nửa sau năm 2017. Việc OPEC cắt giảm sản lượng sẽ có thể khiến điều đó diễn ra sớm hơn.
- Đ.N
Xem thêm: