Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nếu năm nay xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo thì lượng gạo còn tồn chuyển sang năm tới chỉ còn khoảng 500.000 tấn. Khối lượng này quá thấp so với con số trung chuyển hằng năm khoảng 1-1,2 triệu tấn, sẽ ảnh hưởng đến khối lượng gạo xuất khẩu của năm 2013.
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn
Việt Nam được coi là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thế nhưng nhìn lại toàn ngành lương thực, thực chất chúng ta vẫn đang nhập siêu. Mỗi năm nước ta phải chi khoản ngoại tệ lớn hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gạo để nhập khẩu bắp, đậu tương, lúa mì.
Tính trong 10 tháng qua, cả nước đã nhập khẩu 2,36 triệu tấn lúa mì, tốn phí 743 triệu USD, so cùng kỳ năm 2011 tăng 29,4% về khối lượng và 19,4% về giá trị. Khối lượng đậu tương nhập khẩu 10 tháng là 1.248 ngàn tấn với giá trị 742 triệu USD, đây là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao hơn so với năm 2011, tăng 87,9% về khối lượng và tăng 94,3% về giá trị.
Đằng sau câu chuyện thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là nhiều cái mất. Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, thể hiện ở việc tăng diện tích, mật độ canh tác và sử dụng ngày càng nhiều đầu vào sản xuất.
Tình trạng lạm dụng giống cây trồng, phân bón, hóa chất nông nghiệp và tài nguyên nước hiện nay khá phổ biến. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu phân bón nhiều thứ ba thế giới (sau Ấn Độ và Brazil).
Hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng gần chín triệu tấn phân bón, cao gấp đôi so với cách đây năm năm. Trong đó, phân bón dùng cho sản xuất lúa gạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, mức sử dụng bình quân cao gấp đôi so với mức sử dụng của Indonesia.