Thông tin Hà Nội Cinémathèque sẽ đóng cửa vào ngày 30-11, cũng như toàn bộ khu vực số 22A phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) sẽ biến thành một khu mua sắm hiện đại, đã khiến không ít người yêu điện ảnh phải tiếc nuối. Trong hơn một thập niên qua, Cinémathèque là một điểm sáng văn hóa ở Hà Nội. Theo như cây viết điện ảnh Lê Hồng Lâm, Hà Nội Cinémathèque không chỉ là một rạp chiếu đơn thuần: “Bên cây hoàng lan cổ thụ, nằm khá sâu trong một cái ngõ đậm chất Hà Nội, rạp có 89 ghế ngồi, chỉ chiếu những bộ phim kinh điển của thế giới và Việt Nam theo các chủ đề khác nhau. Với nhiều người, đó thực sự là một “rạp chiếu bóng thiên đường”, như tên bộ phim kinh điển của Ý”. Vậy là thêm một rạp phim hiếm hoi dành cho dân ghiền phim “art house” nói lời từ biệt! Một nhóm fan điện ảnh, cả người Việt Nam và quốc tế tổ chức một chiến dịch “Mourning – Thương tiếc” trên mạng xã hội với lời kêu gọi: “Nếu bạn đang buồn phiền bởi dự án này, xin vui lòng sử dụng hình ảnh dưới đây làm ảnh đại diện cho trang Facebook của bạn cho tới ngày 30-11. Và hãy mời tất cả bạn bè của bạn làm như vậy, như lời kêu gọi cho một chính sách phát triển đô thị thân thiện và nhạy cảm hơn với văn hóa, vì thành phố tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều yêu quý”.
Đó là chuyện tại Hà Nội. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế văn hóa giải trí lớn nhất của cả nước, hiện cũng không có nhiều địa điểm và chương trình dành cho thể loại phim cực kỳ kén khán giả này, so với nhu cầu thật sự. Có thể kể đến là chương trình chiếu phim nghệ thuật và phim kinh điển của Art House Saigon chủ yếu dành cho đối tượng sinh viên tại Đại học Hoa Sen; Salon Điện ảnh Cà phê thứ Bảy định kỳ tối thứ Bảy hằng tuần chiếu những phim trong thư viện phim Danh Nhân của Tập đoàn Trung Nguyên về những bậc vĩ nhân, những tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự; Câu lạc bộ Điện ảnh Hồng Hạc sinh hoạt định kỳ vào chiều Chủ nhật hằng tuần… Tất cả các câu lạc bộ đều hoạt động phi lợi nhuận, không bán vé mà hoạt động nhờ sự đóng góp tự nguyện của khán giả và sự hỗ trợ của một vài nhà tài trợ; và có chủ đề riêng biệt cho mỗi suất chiếu.
Ông Phan Duy Khương, Giám đốc điều hành FlamingoArt cho biết, do hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, nên Câu lạc bộ Điện ảnh Hồng Hạc có rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động định kỳ hằng tuần. Thậm chí ra mắt một thời gian, CLB ĐA Hồng Hạc phải tạm ngưng để tìm nguồn tài trợ và vừa “tái ra mắt” vào đầu tháng 11 vừa rồi. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là kinh phí hoạt động. Một buổi chiếu phim, sinh hoạt chuyên đề tại CLB ĐA Hồng Hạc nếu tính tất cả chi phí địa điểm, âm thanh, máy móc thiết bị và chi phí nội dung (bản quyền phim, diễn giả…) trung bình khoảng 14-15 triệu đồng/buổi, trong khi phí đóng góp của mỗi thành viên khi tham gia tầm 35.000 đồng/người; trung bình mỗi lần sinh hoạt có 60 thành viên tham dự. Con số chênh lệch giữa thu và chi của CLB khi tổ chức mỗi buổi sinh hoạt là rất lớn và khó để thu hồi. Khó khăn thứ 2 là vấn đề bản quyền. Trên tiêu chí làm nghề và sinh hoạt nghiêm túc, các bộ phim trình chiếu tại CLB đều có bản quyền và được sự chấp thuận của nhà sản xuất phim; do vậy tìm kiếm những bộ phim có bản quyền và được cho phép chiếu cũng là một giới hạn trong nguồn phim tại CLB. Chưa kể đến việc quảng bá cho sinh hoạt của CLB cũng còn nhỏ lẻ và chưa phổ biến vì quy mô của CLB còn nhỏ nên sự quan tâm của báo chí chưa nhiều. Do đó đối tượng khán giả hiện nay của CLB chủ yếu vẫn ở các mối quan hệ thân tình, truyền miệng chứ chưa được tiếp cận rộng rãi.
Thoảng khi có một số trường điện ảnh, hãng phim, công ty… cũng có những chương trình phát hành đặc biệt, chẳng hạn như chương trình Ngoài khung hình (Out of Frame – OOF!) do Trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn (SIFS) tổ chức vào cuối tháng 10-2016. Đây là một dự án tổng hợp bao gồm triển lãm, trình chiếu hình ảnh động (phim, video art, music video) trong mối liên kết thể nghiệm với công chúng. Trong suốt chương trình, có khoảng 10 bộ phim độc lập được trình chiếu ở các địa điểm công cộng khắp Sài Gòn như quán cà phê, nhà riêng… Điểm đặc biệt của Ngoài khung hình là có một lượng khán giả được gọi là “khán giả dấn thân”, là những người cam kết theo hết dự án, xem hết các bộ phim, viết bình luận và trao đổi với các nghệ sĩ từ Đông Nam Á. Bên cạnh đó, khán giả cũng có thể chỉ đăng ký các buổi workshop/hội thảo diễn ra tại SIFS (khuyến khích xem phim trước khi tham gia chương trình).
Hay như trường hợp của bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, do hãng Blue Productions phát hành, cho thấy một “cơn khát” phim art house tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ban đầu, vốn e ngại, Blue Productions chỉ nhắm đến mục tiêu là 10 suất chiếu đã phải tăng lên 30 suất chiếu, sau đợt 1 đã phải tăng thêm đợt 2, vì có những khán giả đi xem đến 2-3 lần… Là một bộ phim tài liệu dài nhưng Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tiếp cận khán giả thông qua những trung tâm văn hóa, sân khấu giới hạn chỗ ngồi như IDECAF (TP. Hồ Chí Minh) hay L’Espace (Hà Nội) thay vì các rạp chiếu lớn. Đây cũng là một thử nghiệm mới trong khâu phát hành phim tại Việt Nam để những bộ phim ít tính giải trí nhưng có giá trị cao về nghệ thuật có thể đến được với công chúng, hơn là chiếu vài ba suất ngắn ngủi, khung giờ xấu ở các hệ thống rạp chiếu lớn rồi bị thay thế bằng các phim thương mại “bom tấn”.
Có vẻ như đang có một sự “chênh” giữa những người tổ chức các CLB Điện ảnh và khán giả: Một bên mỗi tuần ngồi chờ khán giả đến với mình, chỉ mong khán phòng tầm hơn kém trăm ghế của mình đầy kín khán giả; và một bên cứ than vãn là không có cơ hội tiếp tận với dòng phim art house. Vào đầu năm 2015, CGV rất hào hứng giới thiệu chương trình Art House và được giới truyền thông ca ngợi là mở ra “một lối đi đầy tươi sáng cho những người đam mê điện ảnh”. Bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là bộ phim độc lập đầu tiên được chọn để chiếu khai trương dự án CGV Art House, tiếp theo là những phim nghệ thuật Việt Nam gây nhiều tiếng vang tại thị trường trong nước và quốc tế nhưCánh đồng bất tận, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cùng với hai bộ phim Hàn Quốc đình đám Roaring Current (Đại thủy chiến) và The Pirate (Hải tặc). Nhưng chương trình này đã không tạo được hiệu ứng như mong đợi và đến nay không nhiều các phim độc lập kinh phí thấp của các nhà làm phim trẻ được giới thiệu. Lý do hoàn toàn không khó hiểu: Các suất chiếu không đủ khách để có được kinh phí cần thiết. Thành công của Blue Productions khi phát hành bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng xem ra quá lẻ loi và sứ mệnh “giữ lại thiên đường” vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn.
- Mai Khôi