Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) công bố mới đây thì thiên tai và ô nhiễm làm giảm 0,6% GDP/năm giai đoạn 2016-2020. Nhóm nghiên cứu nhận định cũng trong giai đoạn này Việt Nam phải bỏ ra 35-40 nghìn tỉ đồng giải quyết hậu quả ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cũng nhận xét, bức tranh kinh tế tăng nhưng bức tranh môi trường xấu đi, sau một thời kỳ tăng trưởng, môi trường ở ngưỡng giới hạn.
Báo cáo này cho thấy chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi các vùng đất thấp rộng lớn, là nơi cung cấp lương thực và sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, nhiệt độ, mực nước và làm thay đổi lớn tới thời tiết như chế độ mưa, bão, hạn hán, cháy rừng giảm năng suất nền kinh tế. Bão, lũ lụt, hạn hán và những thay đổi điều kiện sinh thái khác sẽ dẫn tới các thảm họa về người, tài sản với mức độ cao hơn.
Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo của NCIF nhận xét, tình trạng môi trường hiện nay của Việt Nam rất đáng lo ngại.
Thế nhưng vẫn có ý kiến nhìn vấn đề dưới góc độ khác. Tiến sĩ Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng không nên quá lo lắng, bởi nếu biết áp dụng công nghệ, thay đổi sản phẩm, thì tiêu cực từ biến đổi khí hậu không có gì ghê gớm.
Ông dẫn chứng, nước biển dâng là cơ hội nuôi tôm sạch và đặt câu hỏi tại sao chúng ta cứ bắt người nông dân phải trồng lúa, trong khi hạt gạo trên thị trường hiện cạnh tranh rất khó với nước ngoài, giá trị gia tăng sản xuất thấp?
Theo chuyên gia này, nghiên cứu giống mới trong lúa gạo hay cây mới để thay những vùng đất ngập nước là chưa có. Nếu dám thay đổi và ứng dụng khoa học công nghệ, khi đó, sẽ biến cái bất lợi thành có lợi. Trên thực tế, thay đổi từ tư duy đến hành động của chúng ta khá chậm.
Chia sẻ quan điểm trên, nhiều chuyên gia khác nhận định chính con người tàn phá môi trường bằng những dự án thép, xi măng, lọc dầu và hóa chất…, vì vậy chúng ta cần thay đổi tư duy về phát triển, hướng đến tăng trưởng xanh. Và bảo vệ môi trường là phải từ tư duy phát triển đến hành động và thước đo. Thu hút FDI đến mức chịu thiệt hại về tài nguyên năng lượng, thiên nhiên mà không đưa ra quy định khắt khe về tăng trưởng xanh là điều bất hợp lý.
Khi đề cập tới việc môi trường tác hại tiêu cực đến phát triển, hẳn mọi người chưa quên sự cố Formosa tại bốn tỉnh miền Trung. Tuần qua, cơ quan quản lý du lịch sáu tỉnh Bắc Trung bộ cùng Tổng cục Du lịch đã gặp gỡ khoảng 70 doanh nghiệp du lịch ở phía Nam để tìm cách kéo khách du lịch quay lại vùng này sau sự cố môi trường biển hồi tháng 4 vừa qua.
Lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa đã lần lượt giới thiệu tiềm năng du lịch cùng các sản phẩm mới, kỳ vọng sẽ kéo khách quay lại. Theo đó, Hà Tĩnh giới thiệu những điểm đến như quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nơi kết hợp tham quan và chữa bệnh trên cung đường Hồ Chí Minh, những dự án nghỉ dưỡng sắp mở cửa ở biển Cửa Nhượng, biển Xuân Thành; Quảng Bình giới thiệu mấy tuyến du lịch hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng; Quảng Trị nói về làm mới sản phẩm hiện hữu là du lịch về chiến trường xưa cùng tuyến du lịch mới sắp mở ra đảo Cồn Cỏ vào năm sau; Huế mở thêm chương trình bán vé tham quan kinh thành Huế vào ban đêm, tổ chức loại hình mới là đi thuyền cung đình dọc sông Hương đến làng cổ…
Cơ quan quản lý du lịch các tỉnh đều kỳ vọng buổi gặp gỡ với doanh nghiệp du lịch và cơ quan truyền thông ở phía Nam sẽ giúp vùng Bắc Trung bộ giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách du lịch và kéo khách quay trở lại.
Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Tạ Đông Hà cho biết, cùng với truyền thông trong nước, cơ quan quản lý cũng vừa mới gặp một số cơ quan truyền thông quốc tế và đại diện trang web du lịch lớn của thế giới TripAdvisor để tìm cách tổ chức những sự kiện quảng bá cho du lịch Quảng Bình.
Theo ông Hà, du lịch Quảng Bình chỉ mới nhen nhóm niềm vui khi lần đầu tiên đón được số khách du lịch lớn lên đến 3,2 triệu lượt vào năm ngoái thì ngay lập tức gặp “hạn” bởi sự cố môi trường biển vừa qua. Trong vòng 10 tháng của năm nay, doanh thu du lịch đã giảm đến 1.700 tỉ đồng.
Quảng Bình được xem là bị thiệt hại nặng nề nhất. Một báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình gửi đi cầu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp đỡ đã nói lên thực trạng ngành công nghiệp không khói của địa phương này: “Du lịch Quảng Bình bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, rơi vào tình trạng điêu đứng, đời sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp, 7.300 lao động gián tiếp và hơn 30.000 lao động trong các ngành dịch vụ đi kèm bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ phải giảm lao động, cho nhân viên nghỉ việc đến 50%, đa số là lao động có tay nghề, 12.000 lao động có nguy cơ mất việc làm, nhiều khách sạn ba sao trở lên, nhiều nhà hàng đang triển khai phải dừng thi công, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải đóng cửa, ngừng hoạt động và phải trả lãi vay hằng tháng cho ngân hàng rất lớn, ước thiệt hại trên hàng chục nghìn tỉ đồng”.
Ngành du lịch tỉnh Hà Tĩnh cũng trong hoàn cảnh tương tự, lượng khách giảm 60 – 70%, doanh thu du lịch giảm trầm trọng. Nghệ An và Huế tuy ở xa hơn nhưng cũng gánh chịu thiệt hại, khách du lịch cũng ngại đến.
Trong khi các địa phương kỳ vọng nhiều vào các biện pháp kéo du khách trở lại miền Trung thì doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh lại thấy khó có thể làm được điều này trong ngắn hạn. Rào cản lớn nhất là người dân vẫn còn sợ ô nhiễm và do những sản phẩm được các tỉnh giới thiệu không có nhiều điểm mới, hấp dẫn cũng như chưa có một chương trình kích cầu hấp dẫn và toàn diện. Phần lớn khách đến vùng này là khách nội địa nên mùa sắp tới là không thể phát động được bây giờ là mùa lạnh của vùng Bắc Trung bộ.
Hội nghị trên đây được Tổng cục Du lịch tổ chức một ngày sau hội nghị ở Hà Nội. Sắp tới, cơ quan này sẽ cùng các địa phương đi quảng bá du lịch vùng ở Thái Lan và sẽ tổ chức cho doanh nghiệp cùng một số cơ quan truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đi khảo sát sản phẩm du lịch.
Phần đông giới chuyên gia đều có nhận định giống nhau là sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến mùa du lịch 2016 mà sẽ còn kéo dài các năm tiếp theo, nếu không có các giải pháp đột phá để kích cầu cho hoạt động này ấm trở lại.
Gia Minh (DNSGCT)
Xem thêm: