Con số 90 ngàn tỉ USD do Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế và Khí hậu (GCEC) đưa ra trong một báo cáo về hạ tầng cơ sở bền vững. Báo cáo nêu rõ hai phần ba khoản tiền khổng lồ trên cần để đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển để xây dựng các nhà máy điện gió hay điện mặt trời thay cho các nhà máy vận hành bằng than; thiết lập các hệ thống vận chuyển công cộng thay vì làm những siêu xa lộ. Một trong những đồng tác giả của bản báo cáo là Huân tước Nicholas Stern nhấn mạnh rằng sự đầu tư vào hạ tầng cơ sở xanh cũng là một đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Một thành viên khác của ủy ban là Naina Lal Kidwai cũng cho rằng cả hai khối quốc gia phát triển và đang phát triển đều đứng trước nhiều thách thức trong thế kỷ XXI. Song sự thách thức mà họ đối mặt lại không giống nhau. Các nước phát triển cần phải thay thế hay sửa chữa những hạ tầng cơ sở già nua, trong khi phần lớn việc xây dựng hạ tầng cơ sở mới diễn ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Các nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi cần có hạ tầng cơ sở để nâng cao khả năng tiếp cận với những dịch vụ cơ bản, hướng đến sự phát triển, đáp ứng nhu cầu của một dân số đô thị hóa nhanh chóng và một tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Trong thế kỷ XXI, chính các nước đang phát triển sẽ dẫn đầu kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững. Họ sẽ khắc phục nhiều vấn đề mà các nước phát triển đang phải đối phó do đã xây dựng hạ tầng cơ sở bằng những công nghệ và thiết kế cũ kỹ.
Về môi trường sống, các nước đang phát triển có thể sử dụng nguồn tiền từ quỹ do các nước phát triển hứa thiết lập để hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại sự thay đổi khí hậu. Sự hỗ trợ này được cụ thể hóa bằng những dự án đầu tư hạ tầng cơ sở xanh sạch hơn. Tuy nhiên, theo bà Helen Mountford, giám đốc chương trình của tổ chức New Climate Economy, những đầu tư giúp chống lại sự thay đổi khí hậu cần đi đúng hướng để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ các mục tiêu xã hội và phát triển. Khoản đầu tư hạ tầng cơ sở từ 4.000-6.000 tỉ dự kiến xuất phát từ sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm xây dựng và kết nối các hạ tầng cơ sở xuyên ba châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi. Bản báo cáo nêu rõ: “Sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là ví dụ hàng đầu về một cơ hội mới mẻ và chưa được khai thác nhằm tạo ra sự bền vững về môi trường và xã hội đồng thời với sự phát triển kinh tế”.
LHCT tổng hợp (DNSGCT)