Nhật Bản là một trong mười nước có nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới. Cùng với sự phát triển về kinh tế người Nhật ngày nay luôn biết gìn giữ và phát huy những cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống như lễ hội hoa anh đào (Hanami), trà đạo (Sadou), nghệ thuật cây cảnh (Bonsai), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật gấp giấy (Origami) và Furoshiki – nghệ thuật gói quà bằng vải truyền thống độc đáo.
Người Nhật gọi các loại hình nghệ thuật truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ là “tài sản văn hóa vô hình”. Họ ý thức được rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ là sự hiện diện trong bảo tàng mà phải được làm sống lại trong đời sống hiện đại. Vì vậy, cả chính phủ và người dân Nhật Bản không chỉ bảo vệ, giữ gìn, mà còn ra sức phát huy văn hóa truyền thống phù hợp với cuộc sống trong thời đại mới. Nhờ vậy mà đất nước này đã hồi sinh nhiều nghệ thuật truyền thống từng bị mai một, trong đó có Furoshiki (gói quà một cách khéo léo bằng một mảnh vải có nhiều họa tiết và màu sắc tinh tế).
Nghệ thuật gói quà Nhật Bản Furoshiki
Ở đất nước mặt trời mọc, tặng quà là một cách thể hiện tình cảm phổ biến, trong cả những mối quan hệ thân hay sơ. Trong quan niệm của người Nhật, giá trị vật chất của món quà không quan trọng bằng cách gói quà và tặng quà. Món quà không chỉ là lời chúc mừng những dịp lễ tết, lời cảm ơn mà còn nói thay cho lời chào hỏi khi đến chơi nhà hoặc được mời cơm. Một món quà tặng được gói theo phong cách Furoshiki thể hiện lối ứng xử lịch thiệp đồng thời thể hiện cách sống tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người tặng. Thú vị hơn là vải gói món quà của người này có thể dùng để gói món quà để trao tay người khác như một cách để chuyền tay nhau tình cảm và niềm vui. Ngoài ra, việc sử dụng túi vải Furoshiki còn thể hiện sự tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Hằng ngày, chúng ta sử dụng quá nhiều túi nylon, túi nhựa có ít giá trị sử dụng, vòng đời ngắn ngủi mà lại không thể phân hủy sau khi vứt bỏ. Nếu sử dụng túi vải Furoshiki thay thế cho túi nylon và túi nhựa như thói quen của người xưa sẽ là một cách cải thiện điều kiện môi trường hiệu quả.
Theo một số tài liệu về lịch sử văn hóa Nhật Bản thì Furoshiki bắt đầu xuất hiện vào triều đại Nại Lương (Nara, từ năm 710-794) với tên gọi tsutsumi (có nghĩa là cái bọc). Tsutsumi hay được dùng để gói những vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu của hoàng triều tại đền Todai-ji). Dần dần, hình thức gói quà này được sử dụng nhiều hơn vào các việc khác như gói, bảo quản đồ, vận chuyển hàng hóa, trải lên sàn nhà… Một số tài liệu cho rằng cách gói quà Furoshiki bắt nguồn từ văn hóa tắm hơi của người Nhật cổ (vì “Furo” có nghĩa là tắm rửa). Người Nhật cổ rất coi trọng việc tắm rửa vì cho đây là việc thanh cao để làm sạch cơ thể và tâm hồn. Sau khi tắm xong, họ ngồi lên một tấm vải có hoa văn để thay quần áo và dùng tấm vải đó để gói quần áo ướt. Từ đó, thói quen dùng vải gói đồ ngày càng phổ biến. Ngày nay, mảnh vải vuông Furoshiki với nhiều kích thước, màu sắc và họa tiết khác nhau vẫn được sử dụng như một chiếc giỏ đa năng trong cuộc sống thường nhật như một nét riêng độc đáo của người Nhật.