Không ít người từng nghi ngờ về ý tưởng khởi nghiệp “khó tin” của Hàng Thanh Hải khi anh quyết định kinh doanh món bún bò ở Indonesia. Trước anh, hầu như chưa có ai nghĩ đến việc mang một món ăn đậm mùi mắm ruốc để phục vụ cho khách nước ngoài. Ở một đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Hồi với thói quen ăn uống khác biệt như Indonesia, ý tưởng của anh lại càng là điều “không tưởng”. Thật bất ngờ, sau ba năm, món bún bò anh bán ở Nhà hàng Món Việt đang trở thành món ăn thu hút du khách hơn cả món phở vốn được thế giới biết đến.
Từ gánh bún nhỏ lề đường…
Thời điểm cách đây 45 năm, mẹ anh Hàng Thanh Hải có một gánh bún bò nhỏ trên đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3). Gánh bún của bà nổi tiếng đến nỗi vào giờ cao điểm, khách phải xếp hàng chờ mới có chỗ ngồi ăn. Bà hầu như phải bán liên tục ngày này qua ngày khác, chỉ có thể đóng cửa vào chiều 30 và mùng 1 tết. Từ gánh nhỏ, bà đầu tư dần thành một quán bún bò khá khang trang, kiếm đủ tiền để nuôi chín đứa con khôn lớn.
Sau khi đi làm nhiều công ty, được trọng dụng và có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới, Thanh Hải thấy cách kinh doanh thủ công của mẹ mình quá nhọc nhằn. Mẹ anh không rời được cái bếp ngày nào vì bà không yên tâm để ai nêm nếm nồi bún bò. Các chị anh trông thật lam lũ, cả anh cũng phải làm việc vất vả phụ mẹ. Anh kể: “Ngày trước, tôi hầu như không được nghỉ hè. Những dịp lễ tết, trong khi bạn bè đi chơi thì tôi phải thức khuya, dậy sớm phụ mẹ nhặt rau, cạo giò heo, làm bánh bột lọc, dọn hàng… Đến khi tôi có công việc ổn định, tôi đã quyết gây sức ép để dẹp bỏ quán bún để mẹ tôi nghỉ ngơi và cô em gái Kim Loan có những công việc khác nhẹ nhàng hơn”.
Thật sự, quyết định từ bỏ nghề nghiệp đã gắn với đời mẹ anh Thanh Hải mấy chục năm là điều không dễ dàng. Mẹ anh đổ bệnh vì cho rằng mình đã “phụ” gánh bún bò. Em gái anh thì không mấy tin tưởng dù rất muốn kiếm nhiều tiền hơn để lo cho con gái. Anh Hải đã phải đưa mẹ đi du lịch ba tháng ở Pháp và tìm chỗ cho em gái học nghề nấu ăn. Sau một thời gian sống ở chùa Làng Mai, có dịp thiền, đọc kinh và tập tu cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh, mẹ anh đã cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Em gái anh thì sau đó cũng có được công việc khá tốt ở Khách sạn Đệ Nhất. Khách sạn này nổi tiếng một phần là nhờ các món ăn sáng do Kim Loan nấu, trong đó có món bún bò.
…đến nhà hàng có tiếng tại Indonesia
Khi nói đến việc khởi nghiệp kinh doanh ở Indonesia, một nước hầu như không có nét tương đồng vềẩm thực với Việt Nam, nhiều người cảm thấy bất ngờ đến khó tin. Anh Thanh Hải cho biết: “Mọi người đều lo sợ đến đất nước đạo Hồi này vì sợ những người quá khích, nhưng tôi lại cảm thấy tình người nơi đây rất ấm áp và bao dung. Tôi yêu mến Indonesia như một quê hương thứ hai vậy”. Anh đã có nhiều người bạn khác biệt màu da ở đây khi sang làm việc vào năm 1996, họ luôn nhiệt tình giúp đỡ, bảo bọc anh và gia đình như người nhà. Cho đến bây giờ, tuy đã sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới anh vẫn thấy không một nơi nào trên thế giới mà con người lại tử tế và chân tình nhưở đây.
“Hơn nữa, tôi nhận thấy người Indonesia có thói quen ăn uống rất “nặng nề”, không lành mạnh. Thức ăn của họ hầu hết là những món ăn chiên xào ngập dầu và gần như không ăn rau xanh. Bởi vậy khi được làm quen với món Việt truyền thống thanh đạm, không dầu mỡ, nhiều rau xanh của gia đình tôi, họ rất hồ hởi”, anh Hải cho biết. Chính ý muốn giới thiệu phong cách ăn trong lành, nhẹ nhàng của món Việt cho những con người đáng mến này đã thúc đẩy tôi mở Nhà hàng Món Việt ở đây.
Anh Hàng Thanh Hải nhớ lại: “Ngày nhỏ, tôi cứ mong chờ ngày mình tốt nghiệp để được đi làm cho các công ty, không phải quanh quẩn trong quán ăn của mẹ nữa. Tôi còn tự nói với lòng nếu có kinh doanh, tôi nhất định sẽ không mở quán ăn… Nhưng thật lạ, đến lúc khởi nghiệp, tôi tự ngẫm thấy hình như kinh doanh ăn uống nó đã nằm trong máu của mình và gia đình mình. Có người nói tôi kinh doanh nhà hàng như cái nghiệp, tôi nghĩ cũng có phần đúng. Tôi cũng có cảm giác mình phải “trả nợ” cho mẹ, để bà thấy rằng tôi luôn mang ơn và tự hào về cái nghề đã nuôi anh em tôi nên người”.
Tuy nhiên, việc nấu món Việt không đơn giản đối với người Indonesia. Mười đầu bếp người bản xứ có kinh nghiệm lâu năm sau thời gian học hai tháng vẫn chưa thể nấu được các món trong thực đơn. Thế là hai anh em Thanh Hải bắt đầu lên công thức, định lượng từng muỗng muối, từng thìa mắm. Công việc này mất nhiều thời gian, tốn lắm công sức nhưng không phải là “bất khả thi”. Giờ đây, mọi món ăn đều có công thức, gia vị đã được lượng hóa, các đầu bếp chính người bản xứ đã có thể nấu món Việt một cách ngon lành.
Khi quyết định mở món Việt ở Indonesia, anh Thanh Hải đã chuẩn bị cho mình một khu vườn khoảng 500m2 để trồng rau Việt Nam phục vụ cho thực khách. Những ngày mới mở nhà hàng, rau chưa thu hoạch kịp, anh phải nhờ hết bạn bè, người quen lẫn người không quen vận chuyển sang Indonesia các loại rau quế, rau răm… để đảm bảo món phở, bún bò phải có dĩa rau đi kèm. Vậy mà, hầu hết thực khách lại chỉ ăn món chính chứ không hề đụng đến dĩa rau.
Trong một năm đầu, anh Hải và nhân viên phải đến từng bàn, nhắc khách bỏ rau vào dùng chung cho đủ hương vị. Phải gần một năm sau, sự kiên trì của chủ và nhân viên nhà hàng mới có được kết quả như mong đợi. Anh Hải chia sẻ: “Lần đầu tiên thấy có khách xin thêm dĩa rau tôi mừng muốn khóc, còn nhân viên thì vui mừng đi khoe khắp nơi. Đến nay, khi nhà hàng thứ ba của tôi đã hoàn thành, khách hàng của chúng tôi không chỉ biết thưởng thức món Việt với rau sống mà còn có thể phát hiện khi nhân viên phục vụ nhầm rau cho món ăn của họ. Coi như là công sức của chúng tôi đã được đền bù xứng đáng”.
Kỳ vọng truyền cảm hứng món Việt ra thế giới
Một số chuyên gia ẩm thực cho rằng món ăn Việt khi ra thế giới cần gia giảm gia vị cho phù hợp với khẩu vị người nước ngoài, chẳng hạn như nước mắm phải làm giảm cả vị lẫn mùi. Nhưng với món bún bò, anh Thanh Hải lại không thay đổi gia vị nào. Anh nói: “Món bún bò mẹ tôi nấu cho người Việt ăn thế nào, tôi bán cho người nước ngoài thếấy. Mắm ruốc, nước mắm, sảớt xào, màu hạt điều là những gia vị làm nên hương vị đặc trưng của món bún bò, tôi phải đưa từ Việt Nam sang vì không thể mua được ở Indonesia”. Có lẽ nhờ giữ nguyên gia vị như vậy mà khách Tây rất thích ăn bún bò ở Nhà hàng Món Việt. Giờ đây mỗi lần về Việt Nam, anh Hải vẫn thích tìm ăn những món đường phố, không chỉ vì muốn tìm lại hương vị cuộc sống ngày xưa, mà còn vì muốn ngửi thấy hương thơm của gia vị bay ra từ những bếp lửa rực hồng…
Theo anh Hải, thị trường ẩm thực Việt ở Indonesia có tiềm năng lớn. Không chỉ du khách Việt mà cả người nước ngoài, cũng như người bản xứ cũng rất thích món ăn Việt Nam. Nhà hàng Món Việt của anh Hải không chỉ bán bún bò mà còn nhiều món ăn Việt Nam khác như: phở, cơm tấm, bún thịt nướng, bún chả cá, bánh canh tôm gà, chả giò rế, gỏi cuốn, bánh bột lọc… Khách đến ăn thường khen món ăn Việt Nam trong lành, nhẹ nhàng, nhất là tô nước dùng trong veo, ngọt lành khi xương được ninh đúng cách, đủ thời gian. Rau cũng tươi ngọt do nhà hàng tự trồng để phục vụ cho nhà hàng vì các loại rau mùi phục vụ cho món bún bò, phở đều không thể tìm mua ở Indonesia.
Anh Hải cho biết: “Tôi dự định sẽ mở thêm hai nhà hàng nữa rồi sẽ bắt đầu chia sẻ cách làm của mình với những người khác qua hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Tôi tự thấy vai trò của mình không chỉ là một người kinh doanh mà còn là một người truyền cảm hứng về món ăn Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, tôi và nhân viên của Món Việt sẽ tiếp tục nói về món bún bò mang hương vị quê hương, về nét ẩm thực thanh tao của người Việt Nam và về nét độc đáo chỉ có ở nền văn hóa Việt Nam một cách tự hào…”.