Tôi sống ở khu phố nhỏ này được hai mươi lăm năm chẵn. Thời gian đủ để biết tính ý hàng xóm láng giềng lân cận. Nhận được giọng nói của một số người mà không cần thấy mặt họ. Chứng kiến những đứa trẻ sinh ra, lớn lên, học hành, yêu đương, rồi thành gia thất hay vài cụ già tạm biệt dương thế về cõi vĩnh hằng. Thời gian cũng đủ cho mẹ tôi (ở khu phố khác) quen biết vài hàng xóm thân, gặp nhau có câu chào, đôi khi còn thêm những lời thăm hỏi về các thành viên trong gia đình họ nữa.
Nhà ngay ngả tư nên phạm vi quen biết của tôi có rộng hơn mấy nhà khác. Mối quan hệ xóm giềng để chào hỏi đến hai con đường. Có những người tôi quen ở đường này nhưng người ở đường bên kia hoàn toàn không biết gì về người đó. Đôi khi gặp, giới thiệu nhau tôi thấy mình giống như nhịp cầu bắc qua.
Nhà chị cách nhà tôi chưa đến trăm mét phía bên kia đường. Chị bằng tuổi tôi. Thời tiểu học, con trai nhỏ của chị học cùng lớp với con gái lớn của tôi nên trong xóm tôi thân với chị hơn hết. Chồng chị làm nghề vá lốp xe hơi. Tôi không biết anh mở cửa hàng khi nào nhưng tôi dọn về đã thấy chồng lốp xe xếp cao nghệu trước cửa như đã có từ lâu lắm. Trước chị làm cơ quan, sau chị nghỉ, ở nhà đi chợ, nấu ăn và bán cà phê, nước giải khát. Hàng nước nép một góc khiêm tốn lấp ló nửa trong nửa ngoài của cửa hàng vá lốp. Mỗi sáng đi bộ thể dục ngang nhà chị, chúng tôi gật đầu chào nhau, thỉnh thoảng ngày nghỉ tôi dừng lại lâu hơn. Chị kể tôi nghe loanh quanh chuyện xóm như nhà ai mất trộm, tổ dân phố bữa họp cảnh giác ra sao, nhà nọ có người đi nước ngoài trở về, nhà kia treo bảng bán, ông nọ không hiểu sao dạo này hay la bà vợ… đến chuyện học hành của mấy đứa nhỏ.
Thời gian dần trôi, bọn trẻ lớn lên. Hai con trai của chị lần lượt tốt nghiệp cao đẳng, em nối tiếp anh. Ra trường, hết anh rồi đến em đều thi hành nghĩa vụ quân sự hai năm. Chị kể, thằng anh làm ở khách sạn, thằng em làm trong xưởng cơ khí của một doanh nghiệp. Một thời gian sau đó, tôi thấy cả hai anh em ở nhà phụ việc cho cha. Chị nói, đi làm sướng thân nhưng lương ít, nhà không ai phụ, thấy cha tuổi càng cao mà công việc đòi hỏi sức khỏe nên hai anh em về nhà làm. Chị lại nói, bây giờ không như ngày xưa mọi thứ đều có máy móc từ nâng xe cho đến mở con ốc hay vô lốp nên công việc nhẹ nhàng hơn. Mỗi khi đi ngang, nhìn ba cha con họ làm việc cùng nhau thấy vô cùng nhịp nhàng, ăn ý. Mỗi lúc họ “giải lao” tôi lại thấy ba cha con ngồi quanh bàn cà phê chuyện trò về công việc vẻ tâm đắc lắm!
Rồi tôi thấy chị cất một ngôi nhà mới trên đất cha mẹ chia cho ở gần đó. Chị lại than, lo hai nhà mệt đừ. Hết dọn dẹp nhà mới lại về nhà này nấu ăn. Ngày tết nghe chị chuẩn bị các thứ mà… nể. Chị nói, do công việc lao động nặng nhọc, các cháu đang tuổi thanh niên sung sức nên phải chú trọng ăn uống. Nhìn chị tất bật đi – về nhà mới (cả gia đình về ngủ) và nhà cũ (là cửa hàng) dọn dẹp, đi chợ, nấu nướng… tôi thật sự ngưỡng mộ tính chịu khó của chị.
Có lần, buổi tối tôi thấy hai chàng thanh niên tóc chải mượt, quần áo láng lẩy, đi xe tay ga, nhìn mãi tôi mới nhận ra hai chàng thanh niên buổi sáng thường đánh trần vá lốp với cha.
Tôi đi xa vài ngày, về thấy nhà chị đang đập để xây mới. Chị thuê miếng đất trống đối diện để anh làm nghề. Chị nói, dự định nhà xây ba tầng, tầng trên cùng để thờ, tầng giữa đểở và tầng trệt là ga-ra làm nghề. Như vậy, xe không phải đậu ngoài đường mà được đưa vào trong nhà có máy móc, thiết bị. Nhìn miếng đất rộng và quá đẹp, tôi nhẩm tính chi phí khá nhiều. Lại thêm lần nữa ngưỡng mộ chị. Mới thấm ý nghĩa của câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chị nói, bọn trẻ bây giờ tiên tiến lắm, không như ba nó ngày xưa, chúng có ăn học, lại biết tính toán nên muốn làm ăn khoa học. Đầu tư nhà xưởng và máy móc hỗ trợ, con số không phải ít!
Bẵng đi thời gian, tôi nhận thiệp mời đám cưới con trai lớn của chị. Hỏi ra mới biết con dâu là một giáo viên cấp 2, đẹp người đẹp nết, gia đình công chức. Nhìn vợ chồng trẻ tay trong tay ngoài giờ làm việc phải nói họ thật đẹp đôi. Bây giờ thì chị giao hẳn căn nhà mà chị xây trên đất cha mẹ cho vợ chồng con trai lớn. Bình thường nhà đóng cửa nhưng thỉnh thoảng đi ngang tôi nghe có tiếng trẻ và tiếng cô giáo giảng bài mới biết cô giáo có dạy thêm tại nhà. Tôi nhìn cơ ngơi và thầm nghĩ, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ này thật căn bản với thu nhập (ổn định) mà bao nhiêu người mơ ước trong thời buổi làm ra đồng tiền chân chính không dễ dàng như hiện nay!
Tôi lại lẩn thẩn nghĩ suy. Người thôn quê muốn ra thành thị, người thành phố này tìm đến thành phố khác kiếm kế sinh nhai. Kiếm miếng ăn thành phố đã khó, nhưng ở thôn quê thu nhập món tiền ít ỏi mỗi tháng cũng không có cơ hội. Biết là người xưa vẫn nói, bôn ba không qua thời vận, rồi đổ lỗi cho số mệnh và buột miệng than: “Cây khô tưới nước cũng khô/vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”; nhưng, với hoàn cảnh chị tôi thấy quả đúng “năng nhặt chặt bị”, “có công mài sắt có ngày nên kim”. Một đời làm ăn lương thiện, bỏ sức lao động kiếm tiền, thành quả đạt được hôm nay của gia đình chị quả đáng nể nang. Ở thời buổi con cái nhiều gia đình hở ra một chút là hư thì hai con trai chị tuy không vai vế với người ta nhưng chúng thật sự nên người khi biết đầu tư cho nghề nghiệp chân chính.