Có thể nói đó chính là điểm sáng nhất của thị trường chứng khoán nước ta trong những ngày cuối tháng 7 và tác động từ sự mua bán của khối ngoại sẽ còn có ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định của các chỉ số chính trong tháng 8. Nhiều ngày qua, để VN-Index duy trì được quanh mốc 650, tức là vẫn trong vùng giá cao nhất tám năm qua, trong bối cảnh thị trường tỏ ra khá ảm đạm, thanh khoản sụt giảm so với trước và tâm lý thận trọng của đa phần nhà đầu tư trong nước, thì dấu ấn của dòng tiền ngoại chính là một trong những lực đỡ quan trọng. Động thái mua ròng liên tiếp nhiều tuần của khối ngoại đã giúp cho thị trường không quá tiêu cực trước sự lo ngại đang lớn dần của các nhà đầu tư trong nước.
Sức mua suy yếu của nhà đầu tư nội cộng với áp lực chốt lời đến từ những người đã có lãi trong tài khoản – khi mua vào ở vùng giá thấp trước đó – khiến cho nguồn cung cổ phiếu là khá lớn và VN-Index không thể duy trì đà tăng điểm như ở nửa đầu tháng 7. Yếu tố bên ngoài là giá dầu thế giới giảm cũng đóng vai trò không nhỏ. Sau khi đạt đỉnh ngắn hạn trên mốc 51 USD/thùng vào tháng 6, giá dầu thô nhanh chóng “hụt hơi” sau đó. Với việc giảm 14% trong tháng 7, đây chính là tháng giảm tệ hại nhất của giá dầu thô kể từ một năm qua và nguyên nhân không gì khác ngoài sự trì trệ của kinh tế toàn cầu cộng với áp lực nguồn cung dầu tăng trở lại. Như một tất yếu, các cổ phiếu ngành dầu khí nước ta cũng quay đầu giảm điểm sau một giai đoạn hồi phục nhẹ, trở thành nhóm cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên thị trường.
Dù vậy, tương lai của VN-Index không hẳn là điều gì quá u ám, khi dòng tiền trên thị trường tuy có giảm so với thời đỉnh cao nhưng vẫn đang ở mức khá, đồng thời nhiều cổ phiếu vẫn thiết lập nên những đỉnh giá mới bất chấp chiều hướng của thị trường. Giá dầu thô thế giới sau giai đoạn lao dốc cũng có dấu hiệu tạo đáy, nhiều khả năng sẽ không còn giảm sâu, tạo cơ hội cho nhóm cổ phiếu dầu khí phục hồi. Bên cạnh đó, dòng tiền dù có suy yếu so với giai đoạn hào hứng nửa đầu tháng 7 nhưng vẫn khá dồi dào, tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt – chính là những điểm sáng có thể đi ngược dòng lúc thị trường giảm điểm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước quý III này được dự báo ở mức cao, càng giúp cho sự tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp “mạnh” trở nên vững chắc. Một yếu tố quan trọng nữa là lãi suất trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp, do đó dòng vốn ngoại sẽ còn tiếp tục đổ vào các thị trường mới nổi như nước ta. Những người lạc quan cho rằng những điều kể trên sẽ khiến cho vùng giá mới của VN-Index có thể duy trì ở mức cao như hiện nay.
Nếu nhìn vào diễn tiến giá cổ phiếu, không khó để nhận ra rằng nhóm cổ phiếu bluechip của các doanh nghiệp quy mô vốn hóa lớn, độ minh bạch tài chính cao và có tính thanh khoản mạnh vẫn giữ được sự tăng trưởng khá ổn định và duy trì ở mức giá khá cao, là những cổ phiếu “cầm lái” thị trường. Nhưng do thường tăng giảm theo VN-Index, nên chúng cũng có thể làm “thót tim” người nắm giữ mỗi khi thị trường giảm điểm. Thời gian qua, những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị ít khi phải chịu đựng cảm giác này, do cổ phiếu họ nắm giữ không phụ thuộc vào sự lên xuống của chỉ số, hoàn toàn có thể đi lên ngay lúc VN-Index đang “đổ đèo”. Đó là một gợi ý đầu tư trong giai đoạn hiện nay, tất nhiên cổ phiếu ấy phải thuộc về những doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có P/E dưới mức trung bình của ngành và còn có khả năng tăng trưởng.
Ngọc Khang (DNSGCT)