Hơn nửa thế kỷ lập thân nơi đất khách quê người, Giáo sư Trần Văn Khê tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.
Là thành viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc lớn trên toàn cầu. Gần 200 bài nghiên cứu của ông đăng trên sách báo, bách khoa từ điển, tạp chí chuyên môn của các nước, được đánh giá cao về học thuật và được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.
Khi tích lũy đủ “vốn liếng”, Giáo sư Trần Văn Khê bắt đầu bôn ba như con thoi đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu “sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam” như ông vẫn luôn khẳng định.
Hành trang mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á, đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên mọi diễn đàn.
Thế nhưng, như đã từng trải lòng trong những trang hồi ký, dù ở tận chân trời góc biển, lòng ông vẫn luôn hướng về đất nước, với tâm nguyện lớn nhất là sống những năm tháng cuối đời tại quê hương để “được nói chuyện về âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam, với người Việt Nam và bằng tiếng Việt Nam”.
Một trong những trăn trở của ông là làm sao mang theo về nước toàn bộ “gia sản tinh thần” là những tư liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và các nước mà ông đã một đời chắt chiu góp nhặt. Muốn vậy thì phải có một nơi chốn phù hợp để bảo quản, một đội ngũ chuyên nghiệp để phân loại, để sắp xếp, chỉnh lý, phục chế… làm tài liệu nghiên cứu âm nhạc dân tộc cho các thế hệ mai sau. Tất cả những công việc nói trên, chỉ một mình ông thì không đủ sức.
Thật vui mừng, hoài bão của ông đã được thực hiện nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM lúc bấy giờ. Phần lớn tư liệu mang về đã được phân loại, vi tính hóa, gắn mã số, sắp xếp theo đúng quy chuẩn của một thư viện để tiện việc tra cứu sau này. Giáo sư Trần Văn Khê thường tâm sự với thân hữu: “Trong tuổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vui mừng thấy công sức tha lâu đầy tổ của mình nay đã có chỗ hữu dụng, an tâm khi biết rằng những tư liệu bao nhiêu năm cặm cụi thu thập sẽ được sử dụng vào việc gì và để lại cho ai”.
Mười năm cuối đời là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông được đắm mình trong tình cảm chan hòa của mọi người. Căn nhà nơi ông ở thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ, thu hút từ người bình dân đến giới trí thức, đầu bạc lẫn tóc xanh đến đây để cảm nhận sâu sắc dòng âm nhạc gắn liền với đời sống người Việt, từ khi cất tiếng khóc chào đời qua những câu Hát ru đến lúc trở về với cát bụi bằng điệu Hò đưa linh.
Nhân ngày giỗ đầu của Giáo sư Trần Văn Khê 24-6-2016, Thái Hà Book xuất bản ấn phẩm Trần Văn Khê: Tâm và Nghiệp là một việc làm đáng quý, mà mỗi bài viết của những người yêu mến ông trong tập sách này là một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tri ân cây đại thụ đã làm tròn nhiệm vụ phụng sự âm nhạc dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.