Qua tìm hiểu, chúng tôi biết Thụy Điển đẹp nhất vào đêm midsommarafton ở cuối tháng 6, khi ánh sáng mặt trời có thể nhìn thấy 24 tiếng liên tục ở miền Bắc, còn ở miền Nam chỉ có vài tiếng là hoàng hôn và rạng sáng.
Từ xa xưa, người dân Thụy Điển đã tổ chức lễ hội rất hoành tráng nhân dịp này. Vì không có nhiều thời gian, chúng tôi quyết định dành hai ngày để thăm thú Småland – vùng đất “đặc trưng Thụy Điển” và nổi tiếng nhờ nhân vật Pipi Tất dài (trong tiểu thuyết thiếu nhi của nhà văn Astrid Lindgren, xuất bản lần đầu từ năm 1945).
Đây là tỉnh nông nghiệp lớn thứ hai ở miền Nam Thụy Điển, trước kia có nghề làm gốm, sau này khi người Đức di cư đến thì nổi tiếng với nghệ thuật thổi thủy tinh. Trong trí tưởng tượng của tôi, Thụy Điển có một chút thô mộc của người láng giềng Đan Mạch cộng một chút thiên nhiên hoang sơ của Canada.
Đến vương quốc thủy tinh
Sau hai giờ lái xe từ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, chúng tôi đến một căn nhà nhỏ màu đỏ nằm giữa rừng cây, cách đường cao tốc vài cây số mà tôi đã thuê trước qua internet. Buổi tối đầu tiên ở đây, chúng tôi lái xe ra ngoài để mua bia nhưng thật ngạc nhiên là mất tới gần 30 phút mà không thể tìm thấy một cửa hàng bán bia, rượu nào! Những tiệm tạp hóa chỉ bán loại bia có nồng độ cồn 3,5%. Vậy là đành tìm niềm vui trong việc lái xe trên một con đường quê vắng vẻ xuyên đêm tối như một cư dân địa phương thực thụ.
Sáng hôm sau, xem bản đồ, chúng tôi lái xe đến một địa điểm cắm trại ven hồ dự định tìm một tour tham quan đảo. Nhưng rồi chúng tôi đổi ý, rảo chân lên một ngọn đồi gần đó và phóng tầm mắt ra xa trong màu xanh ngút ngàn của rừng cây. Đây đúng là một Thụy Điển thu nhỏ với hồ nước lấp lánh, vùng cao nguyên với rừng cây xanh mát và xa xa là bờ biển trải dài.
Là một tỉnh có hơn sáu ngàn hồ nước lớn nhỏ, ở Småland hầu như khu cắm trại nào cũng có câu cá, chèo thuyền, lái canô, bơi lặn… Còn những ai không muốn mất thời gian bồng bềnh trên một chiếc thuyền chèo thì rừng Småland huyền diệu luôn ở ngay bên cạnh với các trò zipline, leo núi… Các công viên quốc gia được đầu tư đúng mức, đưa công nghệ du lịch của Thụy Điển phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia.
Đến đất nước này, du khách không khỏi ngạc nhiên về các công trình kiến trúc đồ sộ tại các thành phố. Các hoạt động vui chơi giải trí rất phong phú, đa dạng, đủ sức phục vụ nhu cầu của du khách đủ mọi lứa tuổi. Thụy Điển là nơi du khách có thể thư giãn bốn mùa trong năm, dù là mùa hè rực nắng hay mùa đông ngập trong tuyết trắng thì người ta vẫn có thể sống trọn trong vòng tay của thiên nhiên.
Småland có nhiều công viên được thiết kế theo chủ đề, trong đó nổi tiếng là Công viên quốc gia Blå Jungfrun với một mê cung đá thần bí, mê hoặc và đánh đố. Khu vườn cổ tích với các nhân vật Pipi Tất dài trong một show diễn với các diễn viên tài giỏi luôn thu hút đông đảo trẻ em. Nếu yêu thích các nghề thủ công thì du khách có thể đến thăm xưởng làm thủy tinh hay kẹo chocolate cứng (rock candy) để tự tay tạo cho mình một sản phẩm thủy tinh Thụy Điển chính hiệu hoặc tham gia một khâu sản xuất ra các viên rock candy đủ màu quyến rũ.
Công nghiệp thủy tinh đặc biệt quan trọng ở Småland. Thủy tinh Thụy Điển nổi tiếng khắp thế giới và phần lớn được sản xuất ở quanh Kosta – thành phố nhỏ nằm ở phía đông Vaxjo. Chuyến tham quan của chúng tôi ở nhà máy thủy tinh thật thú vị. Thủy tinh được làm từ một loại cát đặc biệt, được nghiền nát thành một thứ bột trắng rồi được bổ sung chì để tạo ra thủy tinh tốt. Nhà máy phải nhập cát thủy tinh từ Bỉ và Pháp và cũng phải nhập cả chì.
Bột cát và chì được luyện trong lò cho đến khi chúng trở thành thủy tinh lỏng. Khi hỗn hợp đã sẵn sàng, người công nhân nhúng ống thổi vào thủy tinh. Đó là một ống kim loại rỗng dài khoảng mét rưỡi. Công nhân lấy ra một khối thủy tinh nóng ở đầu ống có kích cỡ bằng một quả banh chơi golf. Anh ta mang cái ống với quả bóng thủy tinh nóng cho người thợ chính.
Người thợ chính thổi vào ống, thủy tinh phồng ra và ông ta xoay tròn ống, nắn khối thủy tinh thành hình dáng và kích thước mong muốn. Phần trên được cắt rời bằng kéo để tạo thành miệng một cái tô hay một cái đĩa. Sau đó, nó được lấy ra khỏi ống thổi và đưa vào phòng làm nguội. Du khách có thể tự thổi để tạo ra tác phẩm của chính mình và mang về làm kỷ niệm.
Dù công nghiệp sản xuất đồ dùng bằng thủy tinh của Thụy Điển không lớn và không sử dụng nhiều nhân công nhưng vẫn khá nổi tiếng trên thế giới. Nghề này đòi hỏi sự khéo léo và thường là cha truyền con nối.
Lâu đài cổ Kalmar
Lâu đài Kalmar tọa lạc ở thành phố Kalmar, phía đông Thụy Điển, thoạt đầu chỉ là một tháp canh nằm trong hệ thống tháp phòng thủ được xây dựng dọc theo bờ biển Baltic vào năm 1175, có đến ba mặt giáp biển với lối dẫn vào là chiếc cầu nhỏ. Do vị trí chiến lược của Kalmar là vùng giáp với Đan Mạch nên trải qua nhiều triều đại, công trình được củng cố dần thành một pháo đài kiên cố, rồi mau chóng trở thành một lâu đài nguy nga nhất Thụy Điển, trở thành biểu tượng chính trị của cả bốn nước Bắc Âu.
Đây là một lâu đài chứng kiến nhiều biến cố của lịch sử hơn hàng ngàn lâu đài khác khắp châu Âu. Năm 1397, nữ hoàng Margareta đã tổ chức một cuộc họp quan trọng nhằm hợp nhất ba nước và ba vị vua Bắc Âu, đưa ra thỏa thuận là luân phiên mỗi người làm vua một giai đoạn, trị vì vùng đất rộng lớn vừa được tạo thành dưới một cái tên chung là khối Liên hiệp Kalmar. Năm 1523, khối này tan rã và Kalmar trở thành chiến địa giữa người Đan Mạch và người Thụy Điển, các trận chiến huynh đệ tương tàn kéo dài trong nhiều năm.
Đến khi Gustav Vasa lên làm vua, ông cho sửa chữa và mở rộng lâu đài này theo trường phái Phục hưng và biến nó thành pháo đài. Hơn trăm năm sau, lâu đài Kalmar bắt đầu đánh mất vị trí quan trọng của mình. Trong suốt 394 năm kế tiếp, mặc dù chịu đựng được thách thức của thiên nhiên nhưng lại bị biến thành nhà tù, rồi kho chứa lúa mạch và xưởng nấu rượu, khiến phần lớn vẻ hoành tráng và lộng lẫy của Kalmar bị biến mất. Đến tận năm 1850, công việc tái thiết lâu đài mới được bắt đầu và kéo dài sang tận thế kỷ XX.
Năm 1937, tại đây diễn ra lễ ký kết công ước chung về chính sách ngoại giao giữa Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Bây giờ tòa lâu đài xinh xắn và kiêu hùng này trở thành biểu tượng của thành phố biển thơ mộng Kalmar, cũng là nơi tổ chức các buổi hội nghị, hội chợ, triển lãm, hòa nhạc… hoặc đại tiệc với thực đơn giống như thời vua Johan.
Đến đây, du khách sẽ có cảm tưởng như đang quay ngược thời gian khi ngồi lên ngai vàng của vua và thử sống theo kiểu hoàng gia Tây phương. Trong phòng ngủ của vua Johan còn có chiếc giường được chiếm đoạt từ Đan Mạch với bốn cây cột ở góc giường được vót nhọn hoắt để trấn áp những linh hồn muốn trả thù nhà vua. Trên trần nhà là những hình thù méo mó kỳ lạ cùng những thiên thần dễ thương nhìn xuống sàn nhà.
Tòa lâu đài này còn kỳ bí bởi lời đồn đãi về căn bệnh thần kinh bí hiểm của vua Eric, rằng ai cũng có thể lây bệnh nếu nhìn thẳng vào mắt ông, thậm chí chỉ là qua tranh vẽ. Điều đó lý giải cho việc tại sao bức chân dung của ông lại được treo khá cao, khiến du khách phải chú ý lắm mới nhìn thấy.
Hai ngày ngắn ngủi ở Småland cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp. Được tận mắt chiêm ngưỡng một di sản của văn minh Trung cổ mới thấy sức sáng tạo tột cùng của con người khi làm nên một công trình hoàn hảo và tráng lệ đến vậy. Tất cả mang lại cảm giác yên bình trong từng hơi thở, hiền hòa và dịu dàng, khác xa với sự náo nhiệt của một châu Âu hiện đại.