Thị trường chứng khoán thời gian gần đây dường như đang di chuyển ngược chiều với màu sắc của bức tranh kinh tế chung, cụ thể là các chỉ số chính (VN-Index và HNX-Index) vẫn đang đều đặn đi lên trong khi kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Những số liệu về kinh tế vĩ mô của năm tháng đầu năm đã cho thấy điều này và để hoàn thành các mục tiêu kinh tế trong năm 2016, trong những tháng còn lại, nền kinh tế phải tăng tốc – điều rất khó trong bối cảnh hiện nay. Lý giải tình trạng “ngược pha” này, nhiều người lạc quan cho rằng các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng cao vào tương lai của nền kinh tế và thị trường chứng khoán thể hiện niềm tin đó thông qua sự tăng trưởng.
VN-Index những ngày đầu tháng 6 vẫn từ từ đi lên, vượt qua những mốc cản mới và đã đạt được mức điểm cao nhất trong gần một năm qua (631,26 điểm vào ngày 9-6, so với đỉnh cao nhất trong 12 tháng qua là 640,43 điểm, ngày 15-7-2015). HNX cũng tương tự, khi đã ở trong vùng giá 84-85 điểm (cách hơn 5 điểm so với đỉnh cao nhất trong 12 tháng). “Cộng hưởng” với điểm số chính là thanh khoản, theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên cả hai sàn HSX và HNX đều ở mức khá cao, chứng tỏ dòng tiền đầu tư vẫn đang hào hứng trong việc tìm kiếm cơ hội. Quan trọng nhất, có thể nói là nhân tố chính khiến cho diễn biến của thị trường duy trì được sự hứng khởi chính là hoạt động mua ròng chưa ngưng nghỉ của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuần từ 6 đến 10-6, họ tiếp tục mua ròng mạnh trên cả hai sàn, với 373 tỉ đồng trên HSX và gần 36 tỉ đồng trên HNX. Đó là đã loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến (bán HPG), nếu không thì khối ngoại đã mua ròng đến gần 677 tỉ đồng chỉ trong một tuần! Lực mua của khối ngoại phân bổ khá đều, trong đó có những nhóm cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ các chỉ số thị trường.
Tuy nhiên, phải có lý do mới khiến cho các nhà chuyên môn có những nhận định dè dặt, bất chấp thị trường vẫn đang tăng trưởng. Thời gian qua, dòng cổ phiếu dầu khí bật tăng mạnh, là một trong những nhóm cổ phiếu nổi bật của thị trường, nhưng không xuất phát từ tình hình sản xuất – kinh doanh tốt của các doanh nghiệp liên quan, mà “thả nổi” theo giá dầu trên thị trường thế giới. Việc giá dầu thế giới đi từ mức đáy dưới 30 USD/thùng vào tháng 1-2016 qua mốc 40 USD/thùng rồi 50 USD/thùng đã khiến cho cổ phiếu của các công ty dầu khí trên toàn cầu tăng giá chứ không chỉ ở nước ta. Mà những cổ phiếu dễ dàng tăng theo giá dầu như vậy thì cũng không khó để đi xuống một khi giá dầu “khó ở”. Nói đâu xa, ngay như cuối tuần qua, khi giá dầu thô giảm mạnh hơn 3% sau thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục tăng và là tuần tăng thứ hai liên tiếp, thì các cổ phiếu dòng “P” trên hai sàn cũng lập tức đỏ rực. Đầu tuần mới (13-6), các cổ phiếu của nhóm dầu khí tiếp tục giảm giá mạnh, “kéo” cả thị trường đi xuống.
Thị trường vẫn tương đối tích cực và với dòng tiền đang đổ vào khá mạnh như hiện tại, khả năng các chỉ số đạt được những cột mốc mới là có thể. Nhưng với một đợt sóng tăng dài, khả năng tăng mạnh không còn nhiều. Nói cách khác, không còn mấy cổ phiếu hấp dẫn để có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư nếu mở vị thế mua mới, trong khi rủi ro có thể nhận lãnh một khi thị trường giảm điểm lại khá lớn. Đây là thời điểm mà xu thế đầu tư giá trị lên tiếng và nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp có tình hình cơ bản tốt, cho mục tiêu dài hạn, bất chấp sự lên xuống của giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Bởi hoạt động cơ bản của doanh nghiệp mới là nhân tố quyết định cho việc tăng giá bền vững.
Ngọc Khang (DNSGCT)