Sáng nào tôi cũng ngồi với bạn bè ở quán cà phê quen. Quán nằm ngay trung tâm thành phố nên nhiều người qua lại. Nào là đám bán vé số, bán bắp nấu, xôi chè, bánh trái… Hay đến bàn chúng tôi còn có một anh nghệ sĩ nửa mùa, lúc nào cũng bộ đồ cháo lòng nhếch nhác cầm cây đàn guitar khảy đi khảy lại mấy bài nhạc Trịnh và hát giọng rè rè nhưng được cho khá nhiều tiền.
Thật ra không phải vì giọng hát tiếng đàn thô thiển của anh mà vì một chút ký ức nào đó chợt sống lại, bay thoáng qua trong tâm trí của mỗi người, những kẻ đã trải qua một thuở xuân xanh đẹp đẽ trong âm hưởng của những bài hát kia. Ở đây còn một chú bé bán vé số khoảng mười hai tuổi cũng khá đặc biệt.Mỗi ngày em mượn của bà nào đó một triệu đồng để lấy vé số bán, chiều về trả lại tiền cộng thêm mười ngàn đồng tiền lãi. Sáng hôm sau tiếp tục mượn lại. Vậy mà khi một cô bạn tôi đề nghị cho em mượn vốn không cần trả lãi, lại lấy được vé số ngay từ chiều, rộng thời gian sẽ bán được nhiều hơn, em cứ lắc đầu. Tiền nhiều quá, con không dám lấy đâu! Một anh bạn đề nghị chụp vài tấm hình để viết về cảnh đời khó khăn của em lên các báo để được các mạnh thường quân giúp đỡ, chú nhóc chạy mất tiêu, nói vói lại: “Con tự kiếm sống nuôi bà, nuôi em được, con không muốn lên báo đâu!”.Đúng là biết bao nhiêu chuyện hay, lạ nhìn từ góc quán này.
Sáng nay kho tư liệu của tôi lại thêm vài chuyện thú vị mới. Cả bọn đang ngồi tán dóc bên ly cà phê thì một cô bé khoảng sáu, bảy tuổi từ ngoài đường chạy lại bàn chìa ra mấy cây kẹo mút mời mua. Anh bạn tôi móc ra mấy ngàn đưa cô bé, nhỏ lắc đầu quầy quậy. Con bán kẹo chứ con không đi xin! Trời, sao giống hệt chú bé vé số vậy kìa. Báo hại cô bạn tôi phải chạy ra ngoài xe, lấy hai cây kẹo để trả tiền theo đúng yêu cầu của cô bé. Lại một cái lạ nữa. Bên chiếc xe đạp thồ là một người đàn ông trung niên, hai mắt mù thấy rõ, sau khi con gái bán được mấy thanh kẹo liền cầm micro hát một bài, giọng trầm ấm không thua gì ca sĩ thứ thiệt. Vui nhất là trên ghi đông xe có hai con két xanh đứng nhún nhảy, không hề có sợi dây cột chân nào. Theo lời cha con ông bán kẹo, ở nhà còn hai con nữa, cũng khôn như vậy, lại biết nói nữa. Chúng được luân phiên đi theo xe cho vui.
Chiếc xe đạp thồ có thùng kẹo của hai cha con vừa khuất ở góc đường, một chiếc khác lại trờ tới. A, ông bánh mì chiên quen thuộc đây rồi.Ở thành phố này, bánh mì chiên của ông là nhất xứ đó. Không giống loại bánh mì chiên bán đầy các sạp bánh, xốp xộp chẳng có chút mùi vị gì, những ổ bánh nhỏ dài, xinh xắn của ông được làm từ bột gạo có pha chút bột mì và trứng, chiên lên giòn rụm rất ngon cứ khiến tôi nhớ lại tài nghệ làm bánh của má tôi lúc xưa và cả những kỷ niệm một thời má hay kể. Rằng những năm xưa xửa nào đó, khi bánh mì không thể mua được, má tôi đã ngồi suốt ngày nhồi bột, chiên từng ổ bánh mì nhỏ như vầy rồi mang về quê cả hộp để ăn với món ra-gu trong tiệc cưới của một đứa cháu. Đúng là kỳ công thiệt! Mua bánh của ông mấy năm nay tôi biết nhà ông chỉ có hai vợ chồng, tuổi gần bảy mươi cả rồi.Bà ở nhà chiên bánh cho ông đem bán. Có lần ông kể con lớn ở riêng hết rồi, vợ chồng không muốn làm phiền con nên tự lo. Mỗi ngày bà ngồi còng lưng cũng chiên được vài chục bịch bánh, ông treo lủng lẳng trước xe đạp, đi qua mấy con đường là hết rồi. Tôi quảng cáo quá nên mấy bạn ai cũng mua vài bịch. Bánh nhà làm, cực khổ mà bán rẻ mạt, trước đây năm ngàn đồng một bịch, giờ lên được bảy ngàn đồng. Nhìn cái dáng gầy guộc, yếu đuối của ông già mà nao lòng. Nhưng làm sao mà không kính trọng những con người như thế chứ!
Không chỉ có vậy, buổi sáng ở đây còn mấy người bán vé số cũng đặc biệt lắm. Có bà già ngồi trên chiếc xe lăn, một tay cầm ghi đông xe một tay mời vé số. Một ông mù vừa quơ gậy tìm đường miệng luôn mời người mua, hay một thanh niên người có vẻ tâm thần miệng lúc nào cũng nhận người quen để bán vé số… Ngoài ra, còn người đàn ông quê từ Quảng Trị vào bán đậu phộng luộc, một chị thồ bắp nấu trên chiếc xe đạp hôm nào cũng tấp lại, cười nói râm ran… Chẳng trách một anh bạn nhà báo của tôi vẫn gọi chỗ này là “chợ trời”, mỗi sáng cứ ra đây là nghe, biết hết mọi chuyện không cần phải làm phóng sự điều tra ở đâu nữa. Anh ta nói “dân gian” chính là như vậy chứở đâu xa. Nghe cũng có lý phải không?
Buổi sáng cứ đi qua trong tôi với đầy ắp hình ảnh, đầy ắp cảm xúc như vậy. Phải chăng những con người ấy, những cảnh đời ấy chính là một phần thân thiết của thành phố quê nhà khiến trong tôi mỗi sớm mai thức dậy lại thấy đời đáng sống!