Trong căn nhà thiếu sáng ở Kalisari giữa đảo Java, Indonesia, ba người đàn ông mồ hôi nhễ nhại thao tác trước những chiếc chảo lớn sữa đậu nành đang sôi để rồi canh thành những miếng đậu hũ (đậu phụ).
Cách thức làm đậu hũ hôm nay chẳng khác gì thời xa xưa. Trước hết phải hòa tan sữa đậu nành với chất keo làm đông kết, tháo kiệt nước và xắt thành những khối thực phẩm mịn màng. Mấy năm gần đây, công việc làm thực phẩm đậu hũ lại thêm công đoạn chót hiện đại – nước thải có tính acid không còn tống ra cống rãnh, chảy ra sông ngòi, ruộng đồng làm ô nhiễm nguồn nước, chết hại lúa mà được tái chế thành khí sinh học để thắp sáng, đun bếp…, vừa rẻ lại sạch. Rồi đây xóm làng tự thỏa mãn nhu cầu điện năng. Một trăm năm mươi gia đình làm đậu hũ được hưởng lợi trước tiên từ chương trình năng lượng xanh này.
Sữa đậu nành được bổ sung acid acétique mà đông kết lại và thải hết nước. Trung bình ba chục lít nước ra một ký đậu hũ. Nước thải theo máng chảy vào các bể, vi sinh vật trong bể chứa lên men nước thải, tạo ra khí sinh học – méthane, không những rẻ hơn ba lần khí hóa lỏng mà còn không gây ô nhiễm môi trường như nhiên liệu hóa thạch phổ biến hiện nay. Nếu chương trình nhiên liệu xanh triển khai ra cả nước, hằng năm Indonesia bớt đi được 56.000 tấn nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, quốc gia 17 ngàn đảo này bị liệt vào sổ đen những nước có lượng khí thải carbone nhiều nhất thế giới. Tổ chức phi chính phủ Hivos của Hà Lan đã lập 20.000 trạm phân hủy khí rác hữu cơ thành khí sinh học ở Indonesia. Điều hành chương trình Hivos, Robert de Groot cho rằng hàng ngàn xưởng đậu hũ khắp nước là một tiềm năng khí sinh học đối với đất nước 225 triệu dân phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch. Nó là một nhân tố đảm bảo Indonesia cam kết từ nay đến năm 2025 giảm 25% khí nhà kính.
Lê Lành theo L’Express (DNSGCT)