Là một trong những người nhận được học bổng của Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM, sau khi hoàn tất việc học, theo sự phân công của Thành ủy, ông Tề Trí Dũng nhận nhiệm vụ tại tổng Công ty Bến Thành. Trở thành một trong những doanh nhân trẻ nổi bật của TP.HCM, ông Dũng khiêm tốn cho rằng đó là “nhờ sự tạo điều kiện của tổ chức và sự hỗ trợ của tập thể”…
Khi còn công tác tại Tổng công ty Bến Thành, ông là một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất và “danh hiệu” ấy vẫn tiếp tục cùng ông khi nhận nhiệm vụ ở IPC. Ông có ấn tượng với điều gì ở công ty mới và là người lãnh đạo trẻ, ông có đóng góp gì vào thành công chung của IPC?
Được sự tin tưởng của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, tôi được phân công làm việc tại IPC từ tháng 5-2015. Tròn một năm trôi qua, điều khiến tôi có ấn tượng mạnh tại IPC chính là những truyền thống, quá trình lịch sử giàu bản sắc và thành tựu, những con người nơi đây đều có tâm huyết cao vì công việc. Để tiếp tục phát huy những tinh thần đó, một trong những việc tôi chú trọng nhất chính là phát triển con người.
Trong năm qua, công ty đã tuyển dụng rất nhiều người trẻ, có trình độ, năng lực cao, có ý thức tinh thần trách nhiệm với xã hội để góp phần tạo “ngọn lửa” cho IPC. Đồng thời, chúng tôi cũng chú ý công tác đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc cho các cán bộ nhân viên. Tôi cũng hy vọng bản thân mình – với sức trẻ và sự nhiệt huyết – sẽ góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới sôi nổi và năng động hơn cho IPC.
Trong tương lai, ông có những dự định gì với IPC để công ty phát triển bền vững và góp phần đưa TP.HCM ngày càng phát triển?
Có thể nói trong bối cảnh toàn cầu hóa, định hướng phát triển kinh tế TP.HCM là cụ thể hóa mục tiêu phát triển “kinh tế tri thức, kinh tế xanh”, xu thế này cũng là hướng phát triển của thế giới và đòi hỏi mỗi doanh nghiệp trong hoàn cảnh cụ thể của mình có các chương trình hành động thiết thực vừa mang lại lợi ích kinh tế chung vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Về phía IPC, đầu tiên chúng tôi xác định chiến lược là “quy hoạch xanh và phát triển xanh thu hút nhà đầu tư và khách hàng phù hợp sẽ là nguồn lợi ích cho công ty” và để triển khai chiến lược trên, công ty phải thực hiện ở ba lĩnh vực:
Thứ nhất, trong lựa chọn vị trí dự án hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị, bên cạnh các tiêu chí về hiệu quả thông thường của các dự án, cần chú ý yếu tố vị trí kết nối chiến lược để phát triển lan tỏa; các khu vực ít dân cư, đất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp; khu vực mà hệ thống hạ tầng kinh tế, giao thông chưa phát triển.
Việc chọn vị trí như vậy đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng về môi trường đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với việc di dời số lượng dân cư và giảm tỷ trọng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đất, cân bằng với tăng chi phí đầu tư hạ tầng kết nối và nội khu nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lan tỏa cho cả khu vực.
Thứ hai, quy hoạch theo hướng tổng thể để phát triển bền vững, đảm bảo duy trì tối đa diện tích cây xanh mặt nước, quy hoạch theo nhóm cụm nhà máy và nhà ở tập trung để giảm thiểu diện tích xây dựng; quy hoạch các khu tái định cư tại chỗ bao gồm cơ sở vật chất cho cuộc sống và mưu sinh.
Thứ ba, đối với thiết kế và triển khai dự án: xây dựng và mở rộng giao thông kết nối trọng yếu, kết hợp đầu tư giao thông nội khu duy trì cảnh quan sông nước, cây xanh cách ly, chú ý đầu tư ngay từ đầu vào trạm xử lý nước thải tập trung hiệu quả; thu hút đầu tư cho các KCX và KCN, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động có chuyên môn đào tạo; kết hợp nhiều hình thức kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, vừa đảm bảo nguồn vốn đầu tư, vừa kết hợp được kinh nghiệm, khoa học công nghệ của các quốc gia tiên tiến trên thế giới; ưu tiên hỗ trợ đào tạo và việc làm cho người lao động tại chỗ kết hợp với xây dựng cơ sở vật chất thu hút lao động chất lượng cao từ bên ngoài.
Để IPC phát triển theo đúng mục tiêu trên, ông đã có những bước chuẩn bị cụ thể gì?
Đầu tiên, chúng tôi phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, xây dựng, cơ cấu bộ máy tổ chức phù hợp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài, bố trí sắp xếp nhân sự một cách phù hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới của IPC.
Tiếp đó, là xây dựng hoàn chỉnh chiến lược kinh doanh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, có lộ trình cụ thể về đầu tư phát triển các dự án trọng điểm, xây dựng các giải pháp về tài chính để đảm bảo thu hút vốn đầu tư, cân đối nguồn vốn, an toàn tài chính cho hệ thống IPC trong thời gian đầu tư phát triển những dự án lớn. Thời gian qua, IPC đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và Vietinbank để tài trợ dự án.
Ngoài ra, IPC còn đẩy mạnh hoạt động các doanh nghiệp thành viên, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong hệ thống để gia tăng hiệu quả kinh doanh và sức mạnh tổng hợp của hệ thống IPC nhằm tạo nền tảng an toàn cho sự phát triển và đầu tư các dự án của IPC trong thời gian tới.
Trải qua một thời gian lãnh đạo IPC và làm chủ tịch công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, đâu là những trăn trở của ông?
Chúng ta đều thấy rằng Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị kiểu mẫu, vậy phải làm thế nào phát triển và nhân rộng mô hình này để có thể mang lại nhiều giá trị gia tăng cho cộng đồng dân cư mà vẫn đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp?
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông luôn là thách thức của nhà nước cũng như doanh nghiệp, phải làm sao để triển khai đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho người dân cũng như doanh nghiệp luôn là trăn trở của một công ty chuyên đầu tư hạ tầng như IPC.
Là doanh nhân, ông ý thức gắn kết lợi ích doanh nghiệp với lợi ích xã hội như thế nào?
Bản thân tôi được Thành ủy đào tạo theo chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ, chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước mà đó cũng chính là đóng góp của người dân, của xã hội. Khi trở thành một doanh nhân, tôi luôn ý thức điều này. Do đó, trong hoạt động kinh doanh thực tiễn, ngoài việc cạnh tranh, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh năng động, công bằng để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, tôi luôn hướng vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Về thực chất, tôi nghĩ hai mục tiêu này bổ sung lẫn nhau chứ không loại trừ nhau: nếu doanh nghiệp hoạt động mà không mang lại lợi ích xã hội thì doanh nghiệp không thể phát triển lâu dài.
Một ví dụ đơn giản và cụ thể nhất về lợi ích xã hội mà doanh nghiệp mang lại đó là chăm lo lợi ích cho nhân viên. Chăm sóc tốt cuộc sống cho nhân viên là góp phần đóng góp cho xã hội và cộng đồng, nhưng đó cũng chính là động lực để nhân viên làm việc đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tôi được biết nhiều công ty phát triển rất tốt dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa hai lợi ích này, ví dụ như Công ty Marks and Spencer, một công ty đa quốc gia của Anh. Bên cạnh đó, việc kết hợp với các đối tác để cùng tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cũng là một trong những điều Công ty IPC đang chú trọng.
Điều này tôi học được từ kinh nghiệm của bản thân cũng như từ những công ty thành công đi trước như công ty dược phẩm sản xuất ra thuốc penicilin: thay vì giữ bí mật để chế tạo thuốc kiếm lợi nhuận, công ty đã chia sẻ công nghệ chế tạo penicilin cho những công ty khác nhằm giúp đối thủ cạnh tranh sản xuất thuốc, giảm giá thành và đưa penicilin phục vụ cho số đông người bệnh.
Càng trải nghiệm cuộc sống bản thân tôi càng ý thức được rằng, sống có trách nhiệm với cộng đồng, làm việc hết mình vì sự phát triển của công ty và xã hội là con đường ngắn nhất để đi đến thành công.
Cảm ơn ông.