Cùng tuyển chọn tác phẩm với Trung tâm Mỹ thuật Hiện đại Pompidou của Pháp, Bảo tàng Quốc gia Singapore đang tổ chức một triển lãm lớn với hơn 200 tác phẩm được trưng bày, trong đó có nhiều tranh của các bậc thầy hội họa Việt Nam. Triển lãm khai mạc từ cuối tháng 3 và sẽ kéo dài đến giữa tháng 7-2016.
Dưới tiêu đề “Dàn dựng lại chủ nghĩa hiện đại – Tranh đến từ Đông Nam Á, châu Âu và xa hơn nữa” (Reframing Modernism – Painting from Southeast Asia, Europe and Beyond), triển lãm được coi là nỗ lực đầu tiên nhằm truy nguyên sự tiến hóa của chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX, bằng cách đặt cạnh nhau các họa sĩ Đông Nam Á và châu Âu với những đồng nghiệp khác cùng thời đại.
Không phải “ảnh hưởng” mà là “sự tiếp thu làm của riêng”
Trong tổng số 217 tác phẩm của 51 tác giả được trưng bày, có khoảng một nửa thuộc về bộ sưu tập của Trung tâm Pompidou, nửa còn lại từ các nước Đông Nam Á; qua đó cho thấy triển lãm thể hiện chất lượng nghệ thuật đồng thời cố gắng vượt qua những cách trình bày có tính chất rập khuôn về sự tiến triển của hội họa hiện đại thế kỷ XX. Nói cách khác, triển lãm “Dàn dựng lại chủ nghĩa hiện đại – Tranh đến từ Đông Nam Á, châu Âu và xa hơn nữa” không chỉ phức tạp về mặt giới thiệu lịch sử nghệ thuật của từng tác phẩm mà còn có nhiệm vụ điều hòa, tạo sự tương thích chung quanh sự hiện diện của các họa sĩ có tranh được trưng bày, sao cho tạo được một tiếng nói chung, một ý nghĩa chung của sự kiện đặc sắc và độc đáo này.
Với nhà giám tuyển Phoebe Scott của Bảo tàng Quốc gia Singapore thì triển lãm là một sự trở về với các hoạt động thực tiễn của từng họa sĩ. “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là không phải đưa ra một bản tổng kết đã được thông dụng hóa hay có tính rập khuôn về chủ nghĩa hiện đại ở Đông Nam Á. Và như vậy, điều chúng tôi quyết định làm là bắt đầu từ tác phẩm của từng họa sĩ để từ đó hình thành một mạng lưới, chuyển dịch từ họa sĩ này sang họa sĩ khác dựa trên những mối quan tâm của họ”, ông Scott nói. Ông cũng mô tả cách làm của Bảo tàng Quốc gia Singapore khi tiến hành tổ chức triển lãm: “Khởi đầu, chúng tôi đưa ra một danh sách khoảng 20 họa sĩ Đông Nam Á với ý định tạo nên một cảm giác về sự đa dạng của hoạt động thực tiễn trong khu vực, sau đó gửi danh sách này cùng với các tập tin nghiên cứu về từng họa sĩ cho Trung tâm Pompidou để họ xem xét, cân nhắc, cũng qua đó họ có thể thực sự hiểu những gì mà từng họa sĩ quan tâm trong hoạt động thực tiễn của mình. Sau khi nhận được đề xuất của chúng tôi, Trung tâm Pompidou mới tìm trong sưu tập của họ những tác phẩm nào có thể cộng hưởng về mặt hoạt động thực tiễn hay có cùng quan tâm với tác phẩm trong danh sách của chúng tôi. Từ đó họ đề xuất một danh sách các tác giả được chọn lựa thích hợp với danh sách các họa sĩ Đông Nam Á”.
Với cách làm như thế, triển lãm đã tránh được tình trạng mà theo ông Scott là nguy cơ tiềm ẩn về hình thức cực kỳ giống nhau giữa các họa sĩ, tránh được sự tương đồng giữa các tác phẩm mà khi nhìn có thể nhận ra ngay. Bởi mỹ thuật hiện đại các nước Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam và Indonesia có xuất phát điểm từ các nghệ sĩ tạo hình châu Âu khi các quốc gia này còn chịu sự thống trị của các chế độ thực dân (với Việt Nam là Trường Mỹ thuật Đông Dương do các họa sĩ Pháp thành lập, với Indonesia là các họa sĩ từ Hà Lan sang sinh sống và sáng tác) nên không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của mỹ thuật châu Âu đối với nền mỹ thuật hiện đại của các nước Đông Nam Á. Theo chuyên gia Nicolas Liucci-Goutnikov, giám tuyển của Trung tâm Pompidou thì một triển lãm nào khác tập trung vào những ảnh hưởng không tránh khỏi đó là cần thiết nhưng đối với triển lãm “Dàn dựng lại chủ nghĩa hiện đại – Tranh đến từ Đông Nam Á, châu Âu và xa hơn nữa” lại là vấn đề cần tránh. Ông bày tỏ: “Tôi nghĩ nhiều về sự tiếp thu làm thành cái riêng của mình hơn là vềảnh hưởng trong lịch sử mỹ thuật. Theo tôi, sự tiếp thu làm của riêng thực sự là phương thức đúng đắn và quan điểm chính xác để hiểu được nghệ thuật nói chung và cũng để hiểu được sự vận động của chủ nghĩa hiện đại”.
Ngược lại với tiến trình thụ động của cái gọi là “ảnh hưởng” ở một họa sĩ với những người đi trước, sự tiếp thu làm của riêng là cách mà một họa sĩ khi ở trong một bối cảnh đặc biệt với những mối quan tâm của riêng mình để rồi sẽ chọn và quyết định sử dụng một loại chất liệu, kỹ thuật hay phong cách cá nhân để sáng tạo tác phẩm riêng biệt của mình. “Và trong trường hợp của triển lãm này, toàn bộ cấu trúc triển lãm được xây dựng trên ý tưởng người nghệ sĩ với tư cách một cá nhân đặc biệt và trong cuộc đối thoại với các cá nhân đặc biệt khác”, ông Liucci-Goutnikov nhấn mạnh.
Nguyễn Gia Trí bên cạnh Matisse
Bức Nội thất màu vàng và xanh dương được Henri Matisse vẽ năm 1946 với những đường nét và những mảng khối màu nguyên mạnh mẽ là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nét hội họa hiện đại ở châu Âu thời đó. Đối diện với tranh Matisse là bức Tiên nữ của Nguyễn Gia Trí, bậc thầy tranh sơn mài Việt Nam, được ông sáng tác năm 1939. Ở tác phẩm rộng đến 4m, được ghép từ 10 phên này, Nguyễn Gia Trí đã thể hiện những nàng tiên như tan chảy trong những mảng màu đỏ và nâu đậm đặc của chất sơn ta truyền thống Việt Nam, hoàn toàn khác với sơn dầu trong tranh Matisse, thứ chất liệu mà chàng sinh viên Nguyễn Gia Trí đã được các ông thầy người Pháp dạy trong những năm học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Quan trọng hơn, phẩm chất về mặt tạo hình mà ông có được là kết quả từ chất liệu đặc biệt của tranh sơn mài cũng như từ kỹ thuật mà ông sử dụng để làm nên một tuyệt phẩm như bức Tiên nữ. Qua hai bức tranh này, có thể thấy rõ sự khác biệt thế nào giữa “ảnh hưởng” và “tiếp thu làm của riêng”.
Tương tự là các tác phẩm của Lê Phổ, cũng xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng tranh sơn dầu vẽ trên lụa, trên vải lanh của ông là một sáng tạo riêng biệt, một phong cách riêng biệt làm nên nhà danh họa Việt Nam. Tranh của các họa sĩ Sindoedarsono Soedjojono (Indonesia, 1913-1985), Basoeki Abdullah (Indonesia, 1915-1993), Georgette Chen (Singapore, 1906-1993), Cheong Soo Pieng (Singapore, 1917-1983), Hernando Ruiz Ocampo (Philippines, 1911-1978) cũng là những ví dụ về sự “tiếp thu làm của riêng” tại triển lãm này. Những tên tuổi của hội họa Đông Nam Á nêu trên đã đường hoàng đứng bên cạnh Pablo Picasso, Georges Braque, Marc Chagall, Wassily Kandinsky…
- Nguyên Đán