Triển lãm tranh với tên gọi “Bắt tay cùng nhau” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 4-3 đến 12-3-2016) là sự tiếp nối hoạt động giao lưu mỹ thuật hằng năm giữa các họa sĩ Việt Nam và Liên bang Nga – vốn đã được khởi sự từ bốn năm trước tại thành phố biển Nha Trang.
Theo giám tuyển của triển lãm – tiến sĩ nghệ thuật Olga Zotova, phó giáo sư Trường Đại học Viễn Đông Liên bang Nga thì “bắt tay” là một nghi thức chào đón, nhưng trong trường hợp này nó vượt lên trên nghi thức mà là sự thể hiện tình thân quen giữa các nghệ sĩ của hai nước đã có mối quan hệ lịch sử lâu dài. Được khởi xướng từ chính bà Olga Zotova và họa sĩ Bùi Văn Quang, chi hội trưởng Chi hội mỹ thuật Việt Nam của tỉnh Khánh Hòa, dự án mỹ thuật “Bắt tay” đã diễn ra suôn sẻ qua các triển lãm lần lượt được tổ chức tại Nha Trang, TP. Vladivostock và tại TP. Hồ Chí Minh. Ý tưởng tổ chức triển lãm còn rất phù hợp với thực tiễn của ngày hôm nay, khi mà biên giới các quốc gia đã rộng mở để có thể hội nhập với các nền văn hóa khác biệt, để từ đó có được những hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.
Cũng theo bà Olga Zotova, xu thế này được biểu thị rõ nét ở Vladivostock, thành phố ven biển vùng Viễn Đông của nước Nga có sức mạnh và năng lượng tinh thần đặc biệt. Từ lâu rồi thành phố cảng Vladivostock được coi là nơi gặp gỡ của phương Đông và phương Tây, nơi có thể kết hợp hài hòa các truyền thống văn hóa cổ kính với các tư duy sáng tạo mới mẻ. Trong khi đó, nền mỹ thuật Việt Nam được xây dựng trên một sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn dân tộc, có triết lý riêng về thẩm mỹ và cũng đang rộng mở đón nhận các trào lưu nghệ thuật toàn cầu. Có thể thấy được ở mỹ thuật Việt một sự pha trộn giữa các truyền thống bản địa với các trào lưu nghệ thuật châu Âu. Trong những lần đến Nha Trang, thăm các xưởng vẽ của đồng nghiệp Việt Nam tại đây, các họa sĩ Nga đã nhận ra điều đó.
Từ dự án “Bắt tay”, nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã được mời tham dự Liên hoan mỹ thuật quốc tếở Krasnoyarsk (thành phố lớn ở vùng Siberi) năm 2014 và cuộc thi tài quốc tế “Mỹ thuật Vladivostock” năm 2013, 2015 do Viện hàn lâm mỹ thuật Viễn Đông tổ chức. Trong năm lần triển lãm thuộc dự án “Bắt tay”, đã có hơn 200 tác phẩm đa thể loại, phong cách tạo hình và chủ đề được trưng bày cho công chúng hai nước thưởng lãm. Còn trong triển lãm “Bắt tay cùng nhau” đang diễn ra, có năm họa sĩ Nga và 16 họa sĩ Việt Nam gửi 80 tranh tham dự. Ở phía bạn là các tên tuổi như Konstantin Kuzminvkh – thư ký Hội Mỹ thuật Liên bang Nga, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật Nga và Viện hàn lâm mỹ thuật Pháp; Ilya Butusov – phó giáo sư khoa hội họa Học viện mỹ thuật vùng Viễn Đông; Vladimir Khrustov – họa sĩ công huân Liên bang Nga cùng hai họa sĩ Sergey Gorbachev và Alexey Filatov.
Các tác giả đến từ vùng Viễn Đông của nước Nga cho thấy tay nghề kỹ thuật của họ dù vẽ bằng sơn dầu, acrylic hay chỉ bằng bút chì trên giấy. Đặc biệt là tranh phong cảnh – thế mạnh của các họa sĩ Nga, hậu duệ của những bậc thầy về tranh phong cảnh như Isaac Levitan, Ivan Shishkin, Alexander Kiselev… Đứng trước những bức như Chiều hè, Sự trở lại của thợ săn, Tunguska – thủy triều dâng, Ngày đông, Thành phố trên sông Amur của Vladimir Khrustov hay các tranh phong cảnh của Sergey Gorbachev, dù chưa từng đến với xứ sở bạch dương hay dạo chơi ở vùng Viễn Đông xa xôi của nước Nga nhưng những ai đã say mê văn chương Nga qua các tác phẩm kinh điển của Lev Tolstoy, Puskin, Lermontov… hay văn học Nga hiện đại đều có cảm giác thật gần gũi, thân quen như đã từng “gặp”, từng “thấy” những hình ảnh này. Viện sĩ Konstantin Kuzminvkh cho thấy tài năng của ông qua tác phẩm Tuyết đầu mùa giản dị về màu sắc và tạo hình nhưng là một trong những bức tranh đẹp nhất tại triển lãm. Trong khi đó, những bức Ca sĩ, Ikarus, Anh chàng pha trò… của Ilya Butusov đầy sức ám ảnh. Ngoài những tranh phong cảnh quê nhà, Sergey Gorbachev còn vẽ về Việt Nam qua các tác phẩm Những cánh buồm, Cô gái đội nón lá.
Dù Khánh Hòa là tỉnh kết nghĩa với Vladivostock và “Bắt tay” là chương trình hợp tác mỹ thuật giữa hai vùng đất ven biển của hai xứ sở Việt – Nga nhưng trong triển lãm lần này, ngoài hai họa sĩ đến từ Nha Trang là Bùi Văn Quang và Nguyễn Hữu Bài, ban tổ chức đã mời thêm các họa sĩ Trần Quyết Thắng của Phú Yên, Lê Vấn của Đắk Lắk, Lê Hùng và Hồ Thị Xuân Thu của Gia Lai, Nguyễn Thị Dư Dư và Nguyễn Trọng Dũng của Đà Nẵng, Nguyễn Thượng Hỷ của Quảng Nam, Hồ Minh Quân của TP. Hồ Chí Minh cùng Ngô Thị Bích Ngọc, một cựu sinh viên học tập tại nước Nga. Sự mở rộng tác giả này, theo họa sĩ Bùi Văn Quang nhằm “nâng tầm giao lưu nghệ thuật giữa nghệ sĩ hai nước”. Và nói như tiến sĩ Olga Zotova, đây “thực sự là một triển lãm quốc tế lớn, có thể cho thấy nghệ thuật đương đại đa dạng đáng ngạc nhiên của hai nước. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lại một lần nữa rộng mở đón các họa sĩ Nga và Việt Nam để họ cùng nhau tạo những nỗ lực vượt bậc nhằm cụ thể hóa ý tưởng về nối liền hai quốc gia và hai nền văn hóa”.
Được biết, những cuộc giao lưu nghệ thuật thuộc dự án “Bắt tay” còn là dịp để nghệ sĩ hai nước tham quan, khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức các món ăn đặc sản của hai quốc gia. Lần này, các họa sĩ đến từ vùng Viễn Đông của nước Nga đã thăm thú, trực họa phong cảnh ở Long An, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
- Như Hoa