Khi đó, sân golf bị quy là gây ô nhiễm môi trường (do sử dụng quá nhiều nước và thuốc trừ sâu) và cũng có ý kiến cho rằng chủ sân golf “nhập nhèm” giữa làm thể thao, phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản…
Oan cho những sân golf hợp quy hoạch
Câu chuyện nhiều tập về đầu tư sân golf thật sự nóng lên trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1946/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân golf trong cả nước đến năm 2020. Ngay thời điểm ấy, cả nước đã có tới 166 dự án sân golf đã đăng ký. Khi thực hiện quyết định trên, có 76 dự án đầu tư sân golf bị loại bỏ, thu hồi được 15.600ha đất. Trong số 90 sân golf có trong quy hoạch thì ba sân bị rút khỏi quy hoạch. Các sân golf qua được đợt sát hạch này đã được bố trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Lắng đi một thời gian, nhiều địa phương xin bổ sung thêm 42 dự án sân golf vào hệ thống quy hoạch sân golf trong cả nước đến năm 2020. Sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa thêm hơn 20 sân golf vào quy hoạch. Cuối cùng, đề xuất này không được phê duyệt, mà thay vào đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/2012/CT-TTg (ngày 18-4-2012) về quản lý quy hoạch sân golf. Theo chỉ thị này, không tính các dự án đã xây dựng, những dự án sân golf còn lại phải hoàn toàn loại bỏ đất trồng lúa ra khỏi diện tích xây dựng.
Trên thực tế, toàn bộ 29 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều được xây dựng ở những địa phương thuộc diện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, phù hợp với quy hoạch, thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, trong đó TP.HCM có hai sân, Hà Nội có sáu sân, Bình Dương, Khánh Hòa và Hải Phòng đều có hai sân, Đà Nẵng có một sân… Các sân golf đã và đang thu hút một lượng lớn người chơi golf mà các nhà đầu tư nước ngoài tại ViệtNamchiếm một phần không nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2010, với 29 sân golf hoạt động, ngân sách nhà nước đã thu được một khoản tiền đáng kể là 505 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 15 ngàn lao động với thu nhập bình quân 1,5-2,5 triệu đồng/người. Cảnh quan ở nhiều khu vực có sân golf vốn là đất trống, đồi trọc, cồn cát ven biển… đã có sự thay đổi tích cực, trở thành những điểm đến hấp dẫn.
Tại một cuộc tọa đàm về quy hoạch sân golf do Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn cho rằng những dự án đầu tư sân golf không phù hợp thì cần phải loại bỏ. Lý do là những nguyên tắc cơ bản trong phát triển sân golf hiện đã có khá đầy đủ, thậm chí có thêm các quy định chặt chẽ về các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch (tiến độ thực hiện, năng lực tài chính của chủ đầu tư, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường…). Theo các chuyên gia, “đặc khu này” cần phải được dọn sạch để đón chào những nhà đầu tư nghiêm túc, có tiềm lực tài chính mạnh, tuân thủ đúng luật pháp nhằm tránh tình trạng “xí phần” hoặc “bán lúa non”!
Theo các chuyên gia kinh tế, cần coi golf như một môn thể thao đích thực để tạo nên môi trường đầu tư tốt tại ViệtNam. Việc không cho phép đầu tư sân golf trên vùng đất trồng lúa là rất đúng, nhưng không vì thế mà có ác cảm với các dự án sân golf đang phát triển phù hợp với quy hoạch. Vấn đề quan trọng nhất là phải lựa chọn được địa điểm phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu quản lý cũng như các mục tiêu phát triển của quốc gia và địa phương.
Cần một chính sách thuế phù hợp
Nhiều chủ sân golf đang hoạt động hiện nay đã đề nghị Nhà nước nên xem lại chính sách đối với loại hình kinh doanh này và cho rằng chính vì quan niệm chưa đúng về sân golf và nhu cầu phát triển golf tại Việt Nam nên đã có những chính sách thuế áp đặt không phù hợp với sân golf. Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi tọa đàm về quy hoạch golf và các vấn đề về kinh tế golf do báo Đầu tư tổ chức mới đây, ngay sau khi GS-TSKH Nguyễn Mại nói về những bất hợp lý trong chính sách thuế đối với sân golf hiện nay, ông Nguyễn Văn Hảo – Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam đã lập tức bày tỏ sự cảm ơn vì giáo sư đã nói thay lời của những thành viên Hiệp hội Golf Việt Nam.
Các nhà đầu tư sân golf cho rằng hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sân golf ở mức 20% là không hợp lý. Theo họ, không thể đánh đồng môn thể thao golf với các dịch vụ massage hay rượu, thuốc lá… Cũng không thể đánh thuế nhập khẩu xe chuyên dụng trong sân golf bằng với xe ôtô chạy ngoài đường. Ngoài ra, các sân golf còn phải đóng 6% thuế môi trường, 10% thuế VAT. Khi thuế cao, tất nhiên phí chơi golf cũng bị đẩy lên, hậu quả là hạn chế người chơi, phong trào golf không phát triển, du lịch golf không cạnh tranh với các nước lân cận… Chưa kể Nhà nước không thu hút được đầu tư nước ngoài vào các sân golf và thu hút du khách đến ViệtNamchơi golf.
Chia sẻ về điều này, ông Hal Phillips – Giám đốc điều hành Mandarin Media, một công ty có nhiều khách hàng đang hoạt động trong lĩnh vực golf, du lịch golf cho biết rằng các sân golf ở Việt Nam đang bị đánh thuế cao hơn so với các hoạt động vui chơi, giải trí khác và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chơi golf ở ViệtNamđắt hơn nhiều so với ở Thái Lan. “Ngành du lịch golf ViệtNamsẽ phát triển tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn nếu như phí chơi golf ở ViệtNamcạnh tranh hơn” – ông Phillips bày tỏ quan điểm.
Có hay không điều mà dư luận cho rằng sân golf “nhập nhèm” giữa làm thể thao, phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản? Ông Nguyễn Ngọc Chu – Phó chủ tịch Hiệp hội Golf ViệtNamphân tích: “Bất động sản là một cấu thành không tách rời của sân golf. Vì vậy, không nên cấm việc gắn phát triển biệt thự, đô thị với sân golf, nhưng mọi thứ phải nằm trong một tỷ lệ hợp lý. Đối với quy hoạch sân golf ở Việt Nam hiện nay, mỗi sân golf rộng không quá 100ha, như vậy, nếu cho phép dùng 10 – 30ha làm bất động sản thì hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên nhiều lần. Còn nếu chỉ trông chờ vào thu phí thì nhà đầu tư sẽ không có lãi và không còn ý muốn đầu tư vào sân golf”.
Thiết kế và xây dựng một sân golf không hề rẻ, việc vận hành và bảo dưỡng cũng rất đắt, do đó các sân golf hiện nay cần có nguồn thu của các khách sạn, khu nhà ở và các dịch vụ khác để bù đắp, duy trì hoạt động. Thực tế cho thấy, hiện ở ViệtNamcòn ít người chơi golf, các hạng mục bất động sản sẽ giúp nhà đầu tư sân golf giảm thiểu rủi ro và giúp việc huy động vốn đầu tư vào sân golf dễ dàng hơn. Ông Jeff Puchalski – Giám đốc điều hành Công ty Fore Golf Asia (chuyên tư vấn quản lý sân golf) cho rằng khó tưởng tượng được các sân golf nằm xa thành phố lớn lại có thể tồn tại được nếu không có các hạng mục khách sạn, nhà ở đi kèm. Nếu chỉ dựa vào việc bán thẻ hội viên và các dịch vụ trong sân golf thì rất khó thu hồi vốn đầu tư.
Vấn đề chính mà các nhà đầu tư đang mong muốn là làm sao có một chính sách thuế phù hợp, tách bạch phân minh giữa đầu tư kinh doanh sân golf với đầu tư bất động sản và các thành phần khác trong cả một tổ hợp du lịch lớn.
- Phạm Tấn Lời