Đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) ra thị trường nước ngoài đang được nhiều tập đoàn lớn và các doanh nghiệp lĩnh vực này đẩy mạnh trong những năm gần đây. Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành hiện thực, CNTT được dự đoán sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ hứa hẹn mang lại nhiều hoa thơm trái ngọt nhưng cũng không kém phần thử thách.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), về những cơ hội và thách thức sắp tới của công cuộc “đem chuông đi đánh xứ ngươi”.
Nhận xét của ông về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2015?
Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như FPT, TMA Solution, DolSoft… Trong đó, Nhật Bản vẫn là thị trường sôi động nhất của các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo số liệu của JETRO, Cơ quan xúc tiến thương mại của Chính phủ Nhật Bản, trong các ngành công nghiệp đầu tư vào Nhật Bản từ Việt Nam, lĩnh vực CNTT đứng vị trí cao nhất với chín doanh nghiệp trong năm năm vừa qua. Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ của Việt Nam thành lập công ty/văn phòng tại Nhật Bản. Đây là xu hướng và là cách đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam muốn phát triển kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.
Bên cạnh thị trường các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chúng ta đã góp phần khẳng định thương hiệu của ngành CNTT Việt Nam thông qua việc cung cấp dịch vụ, giải pháp theo các xu hướng công nghệ mới nhất cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, truyền hình vệ tinh, tự động hóa… thì vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã và đang mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm, giải pháp phần mềm của Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển. Một số doanh nghiệp tiêu biểu phải kể đến như: FPT IS, MISA, ViniCorp, Tinh Vân…
Mới đây, FPT IS đã vượt qua năm nhà thầu quốc tế đến từ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc và Luxembourg để triển khai dự án Cung cấp triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS) cho cơ quan thuế Bangladesh trị giá 33,6 triệu USD. Đây là hợp đồng công nghệ thông tin theo dạng “chìa khóa trao tay” lớn nhất từ trước đến nay của nước này.
Theo ông, doanh nghiệp CNTT tham gia thị trường quốc tế hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì?
Điểm thuận lợi của các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực khá dồi dào, chất lượng tốt, có khả năng nắm bắt rất nhanh công nghệ mới. Chi phí nhân lực rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tốt cho phát triển của ngành với các chính sách ưu đãi về thuế, về R&D, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ như: hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ CMMi, chứng chỉ bảo mật 27001…
Còn khó khăn có thể kể đến là khả năng tiếp cận thị trường, rào cản về ngôn ngữ… Một điểm yếu dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường quốc tế, vì thế, cách họ tiếp cận thị trường nước ngoài thường chưa đem lại hiệu quả cao.
Rào cản ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh là một thách thức lớn cần phải vượt qua. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, tiếp thị vẫn chưa được chú trọng. Hiện nay, chưa có nhiều các chương trình xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia trong lĩnh vực CNTT giúp nâng tầm thương hiệu của ngành CNTT và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.
TPP, AEC đang tạo ra những cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp lĩnh vực này thưa ông? Để nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn bị gì?
Khi Việt Nam tham gia TPP, sẽ có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực CNTT bởi TPP sẽ tạo ra muôn vàn bài toán về công nghệ dành cho Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế. Đó là những bài toán về xuất khẩu nhập khẩu, logistic, vận tải, thủ tục hải quan cho đến thuế, thanh toán điện tử…
Lịch sử đã cho thấy, mỗi lần mở cửa là động lực để Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng và bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ có thể tiếp cận được nguồn nhân sự quản lý chất lượng cao theo mô hình mà các quốc gia phát triển như Mỹ đang làm, ví dụ, thuê nhân sự quản lý cấp cao từẤn Độ, Nhật Bản….
Tuy nhiên, TPP hay AEC đều sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn công việc tại các quốc gia khác với mức lương hấp dẫn hơn.
Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần phải nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình để tạo ra những giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không thể hài lòng với hiện tại. Một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến, đó là sự liên kết, hợp tác giữa chính các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Để có thể vươn ra rộng khắp, doanh nghiệp chúng ta không thể đơn thương độc mã mà còn cần những sự liên kết và hợp tác ngành, điều chúng ta chưa từng có. Và quan trọng, đó là sự giúp sức mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này, để thành công khi vươn ra thị trường nước ngoài thì cần chú ý đến những điểm nào?
Chúng ta cần khắc phục các rào cản đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành, điều quan trọng nhất để các doanh nghiệp có thể thành công là phải có một đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn và thuần thục ngoại ngữ. Đơn cử như với thị trường Nhật Bản hiện nay, chúng ta không sợ thiếu việc nếu như có đủ kỹ sư CNTT giỏi chuyên môn và thông thạo tiếng Nhật.
Về mặt quản lý nhà nước, để đảm bảo nhân lực cho ngành CNTT cũng như các ngành mũi nhọn khác của nền kinh tế, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực gắn với thực tiễn và nhu cầu của thị trường. Nhà nước cần vận động sự tham gia và liên kết chặt chẽ từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong quá trình đào tạo.
Dự đoán cũng như kỳ vọng của ông về cuộc “viễn chinh” của các doanh nghiệp Việt ra thị trường nước ngoài trong năm 2016. Theo ông, khu vực hoặc nước nào sẽ là điểm nóng của thị trường phần mềm và CNTT trong năm 2016?
Vẫn sẽ là thị trường Nhật Bản. Tiếp theo là thị trường Mỹ. Sự phát triển của công nghệ S.M.A.C (viết tắt của Social (Xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn) và Cloud (Đám mây) – PV), IoT (viết tắt của Internet of Things) đang tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn trong việc cung cấp dịch vụ, giải pháp tại thị trường này.
Cuối cùng là thị trường các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Nam Á. Bởi lẽ, Nam Á đang có nhu cầu bức thiết trong việc ứng dụng CNTT để tăng cường quản lý nhà nước, quản lý tài chính của chính phủ, doanh nghiệp cũng như các công tác an sinh xã hội – người nghèo, giao thông…
Câu chuyện các doanh nghiệp CNTT “đem chuông đi đánh xứ người” đã không còn chỉ dừng lại ở việc đem ngoại tệ về cho Việt Nam. Đó là câu chuyện người Việt, mang trí tuệ Việt đi đọ sức trên đấu trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.