Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới IMF Christine Lagarde đầu tuần qua kêu gọi một chương trình cải tổ tổng thể trên hệ thống thuế và tài chính ở Trung Đông nhằm mở ra một giai đoạn ổn định chính trị mới tại khu vực này nhân chuyến thăm chính thức của bà đến Dubai. Tham gia Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu tại Liên minh Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), bà Lagarde khẳng định các yếu tố kinh tế cần thiết phải được bàn luận nhiều hơn tại các nước Trung Đông. Nếu như IMF không thể ngưng chiến tranh hoặc mang đến những hiệp ước hòa bình thì tổ chức của bà sẽ làm hết sức để giúp hoạch định những chính sách kinh tế tốt đẹp hơn tại khu vực trên cơ sở mang đến ích lợi cho người dân và chính phủ nơi đây thông qua các chương trình thu thuế, tổ chức hệ thống chi tiêu công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng khi cần thiết theo một bước đi hiệu quả nhất. Theo bà Lagarde, các quốc gia xuất khẩu dầu đang đối mặt với một thực tế mới khi giá dầu thô trên thế giới đang dao động ở mức cực thấp khoảng 34 USD/thùng, giảm hơn 110 USD/thùng so với giai đoạn giữa năm 2014. Đối diện với nguồn ngân sách bị thâm hụt ngày càng tăng cao, Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain buộc phải gia tăng trợ cấp của chính phủ, tại các khoản như điện và thực phẩm.
Ngoài ra, bà Lagarde còn cho hay vấn đề tương lai của giới trẻ cũng là một điểm khúc mắc không nhỏ cho khu vực Trung Đông. IMF cảnh báo có đến 1,6 triệu thanh niên sẽ bước vào độ tuổi lao động trong năm 2018 ở các nước vùng Vịnh và Ả Rập, song dự báo chỉ có khoảng 600.000 việc làm được tạo ra tại thời điểm ấy. Sự thịnh nộ của giới trẻ về một tương lai mờ mịt chính là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Cách mạng mùa xuân Ả Rập đã làm rung chuyển Trung Đông hồi năm 2011. Do đó, nhằm tránh tình trạng ấy tái diễn, IMF kêu gọi các nước vùng Vịnh nên đa dạng hóa nguồn thu nhập quốc gia, trong đó phải kể đến giới thiệu chương trình thu thuế giá trị gia tăng và cho phép thực thu thuế thu nhập cá nhân, và bởi chính sự thiếu mất khoản thuế ấy mà Trung Đông thu hút hàng triệu người nước ngoài đến đây làm việc.
Cũng trong đầu tuần qua, Học viện Beirut cũng đã phát hành bản báo cáo dài 21 trang bao gồm các điều khuyến nghị về chính sách kinh tế trong tương lai của UAE, trong đó nhấn mạnh rằng việc tăng trưởng kinh tế bị đình trệ chính là nguyên nhân cối lõi dẫn đến hầu hết những thử thách mà khu vực Ả Rập sẽ đối diện trong tương lai gần và trong đó, nhất thiết phải nói đến bất ổn xã hội và chính trị trong bối cảnh những thế hệ tương lai bởi tước đoạt mất quyền lợi kinh tế.
Lâm Kiên theo AP (DNSGCT)