Tuyên bố gần đây của Telsa và tân binh Faraday Future rằng xe chạy bằng điện (dưới đây viết gọn là xe điện) sẽ là tương lai giao thông của toàn cầu xem ra hoàn toàn trái ngược với những dự báo đưa ra bởi Hiệp hội Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về tương lai của các loại phương tiện giao thông toàn cầu. Theo các số liệu thống kê, trong năm 2015, nhờ nỗ lực đầu tư của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, xe điện đã có những bước tăng trưởng và phát triển vượt bậc. Đòi hỏi cấp thiết về bảo vệ môi trường cùng sự phát triển nhanh của công nghệ sản xuất ôtô đã tạo nên những sản phẩm mới không chỉ giảm mạnh tỷ lệ khí thải, mà còn thỏa mãn nhu cầu về tốc độ và tiện nghi hiện đại. Liệu thị trường ôtô Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập nhanh và tăng trưởng ấn tượng có hấp thu được những mẫu xe xanh?
Dấu hiệu của sự trở lại
Xét về tính năng, xe điện rất đáng được sử dụng rộng vì đảm bảo được hầu hết các tiêu chuẩn về khí thải, tiện nghi lẫn tốc độ. Xe điện đã ra đời cách đây rất lâu, từng có giai đoạn hưng thịnh cách đây hơn 100 năm tại Mỹ vì lấn lướt hoàn toàn xe chạy xăng và động cơ hơi nước, nhưng rồi bị thất sủng trước sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của dòng xe sử dụng xăng, dầu. Gần đây, các dự án phát triển sản xuất xe điện của các thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là thành công của thương hiệu Nhật Bản Toyota với Prius đã tạo nên một làn sóng quan tâm đến dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Là chiếc xe lai xăng – điện đầu tiên được sản xuất đại trà, Toyota Prius trở thành biểu tượng của thế hệ xe xanh hiện đại khi được phân phối toàn cầu từ năm 2000 và đến tháng 7-2015 đã có khoảng 5 triệu chiếc đến tay người tiêu dùng.
Một hãng xe khác của Nhật cũng tích cực chạy đua với Toyota là Nissan. Năm 2010, chiếc Nissan Leaf sau khi được trình làng đã nhanh chóng trở thành mẫu xe điện có thể chạy trên cao tốc đắt hàng nhất thế giới. Tính đến hết tháng 12-2015, đã có hơn 200 ngàn chiếc Leaf được tiêu thụ, trong đó riêng thị trường Mỹ đã hút gần 90 ngàn chiếc. Ở phân khúc hạng sang, xe điện cũng gây sự chú ý khi mẫu roadster của thương hiệu Telsa ra mắt năm 2011 có khả năng chạy qua quãng đường 320km sau mỗi lần sạc. Telsa còn cùng Roadster – hãng xe chuyên về xe chạy điện hạng sang của Mỹ – có kế hoạch vào năm 2017 sẽ tung ra mẫu xe có mức giá hợp lý (khoảng 35.000 USD) mang tên Model 3. Cạnh tranh trực tiếp với Model 3 sẽ là chiếc Chevy Bolt của GM vì cũng vượt 320km sau mỗi lần sạc đầy và có thể sạc 80% pin trong vòng 45 phút với giá bán chỉ khoảng 30.000 USD từ cuối năm nay. Bên cạnh đó, trên thị trường xe điện – lai điện còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu từ sang trọng đến phổ thông, nổi bật là BMW i3 và i8, VW e-Golf, Ford Focus, Honda Fit EV, Renault Zoe, Mitsubishi Outlander…
Rào cản giá dầu và bản dự báo thường niên của OPEC
Giá dầu trên thế giới tuột dốc không phanh trong năm qua được xem như là một rào cản lớn đối với sự tăng trưởng của các dòng xe điện, còn bản dự báo thường niên của OPEC vừa được công bố mặc dù bị cho là lạc quan quá mức nhưng phần nào cũng tác động đến sự tăng trưởng của dòng xe điện trên toàn thế giới trong những năm tới. Cụ thể, OPEC dự đoán:
1. Đến năm 2040, 94% phương tiện giao thông lưu thông trên toàn cầu vẫn sử dụng dụng nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ.
2. Đến năm 2040, các loại phương tiện giao thông sử dụng pin chỉ chiếm 1% doanh số bán hàng toàn cầu.
3. Dòng xe lai điện có triển vọng khá hơn, dự đoán chiếm 14% thị phần.
4. Những loại phương tiện sử dụng pin hydro, CGN và những nhiên liệu thay thế khác sẽ có rất ít cơ hội phát triển trong 25 năm tới.
5. Dù đã có nhiều cải tiến để nâng cao hiệu quả nhiên liệu nhưng đến năm 2040, nhu cầu về xăng dầu cho xe hơi và xe tải sẽ vẫn tăng thêm 17% so với hiện nay.
6. Giá dầu sẽ tăng khoảng 5 USD/thùng mỗi năm nhờ vào sự tăng về cầu và giảm về sản lượng khai thác từ các quốc gia ngoài OPEC.
Hiển nhiên, sự lạc quan trong dự đoán của OPEC không nằm ngoài mục tiêu cổ súy cho sự giữ vững và tăng trưởng các dòng xe vận hành bằng xăng dầu, đồng thời trấn an các quốc gia, các nhà sản xuất và nhà đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Nếu không có sự đảo chiều của giá dầu và nếu những dòng xe kích cỡ lớn, sở hữu vận tốc cao có thêm đất dụng võ thì những dự đoán của OPEC hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Và những cơ hội lớn dành cho xe xanh
Bên cạnh xu hướng đầu tư phát triển những sản phẩm mới tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng những nguồn năng lượng thay thế, những quốc gia sở hữu thị trường xe hơi lớn như Mỹ và Trung Quốc gần đây đã thể hiện quyết tâm phát triển công nghiệp xe xanh qua những ưu đãi về giá và quyền lợi hấp dẫn dành cho những chủ sở hữu xe hơi có tỷ lệ khí thải bằng 0.
Theo tổng kết doanh số của dòng xe plug-in-hybrid trong năm 2015, BYD (hãng xe của Trung Quốc) đã gây bất ngờ khi chiếm vị trí dẫn đầu với 61.722 chiếc được tiêu thụ, vượt mặt cả Telsa và Nissan (lần lượt là 50.557 và gần 50 ngàn chiếc). Nhìn chung, thị trường xe plug-in-hybrid toàn cầu đã có một năm thành công khi lượng xe bán ra của các thương hiệu khác cũng khá ấn tượng, chẳng hạn BMW với gần 30 ngàn chiếc, Ford và GM cũng đạt gần 20 ngàn chiếc.
Đòi hỏi nhanh chóng giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn của Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng tạo nên sự gia tăng mạnh mẽ của xe điện tại quốc gia đông dân này, cụ thể là đã tăng từ 0,32% (năm 2014) lên đến 1,3% (năm 2015) với 331.000 xe điện được tiêu thụ. Với sự trợ giúp từ phía Nhà nước qua những quy định cụ thể, quốc gia này có thể nhanh chóng trở thành thị trường lớn nhất thế giới về xe điện cũng như xe sử dụng nhiên liệu thay thế khác trước năm 2020.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của các phương tiện vận chuyển không sử dụng xăng dầu trong giai đoạn khởi động vào thập niên 2020. Tuy vậy, dù quỹ thời gian chỉ còn khoảng bốn năm nữa nhưng xem ra ngành công nghiệp ôtô cũng như thị trường xe hơi Việt Nam chưa sẵn sàng để bắt kịp sức phát triển của công nghệ ôtô thế giới.
Cũng như tại nhiều thị trường mới nổi khác trên thế giới, tại Việt Nam, xe điện vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của giới tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất – kinh doanh. Ngoại trừ những mẫu xe sang nhập khẩu như Nissan Leaf, BMW i3 và i8 có sức thu hút nhất định, hầu như phân khúc xe điện vẫn chưa có sự khởi đầu chính thức tại thị trường nước ta, cho dù đã có khá nhiều màn trình diễn tại các kỳ triển lãm. Trái lại, mặc dù có nền công nghiệp ôtô chậm hơn cũng như thị trường ôtô kém hơn nhưng Campuchia đã có mẫu ôtô điện Angkor EV 2014. Nghe nói cuối năm ngoái, chiếc sedan chạy điện thuộc hàng cao cấp nhất thế giới của thương hiệu Telsa đã được nhập từ Mỹ về Việt Nam. Đáng chú ý hơn là dự án của Công ty Mai Linh sử dụng 20 ngàn xe điện Renault cho dịch vụ taxi để tạo nên sự cạnh tranh mới. Đó là những yếu tố nhen nhóm hy vọng về bước đột phá mạnh mẽ hơn trên thị trường cũng như trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nhằm bắt kịp xu thế phát triển của ngành công nghiệp ôtô thế giới.
- Huỳnh Khôi