Đối với các nhà kinh doanh xe hơi, những con số tổng kết năm 2015 thật tuyệt vời vì mức tăng trưởng lên đến 55% so với năm trước. Sự vượt lên mạnh mẽ của sức mua trong hai tháng cuối năm đã tạo nên cơn lốc mua sắm và người ta hy vọng lốc sẽ còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2016. Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy doanh số trong tháng 1-2016 bất ngờ giảm đến 21% so với tháng 12-2015 ở tất cả các dòng xe và phân khúc thị trường. Có phải tính chất nóng lạnh bất thường của thị trường đang lặp lại như từng xảy ra trong năm 2012 hay chỉ đơn thuần là một bước lùi nhẹ để xuất hiện một cú bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm nay?
Bức tranh về thị trường ôtô Việt Nam năm 2015 đầy những gam màu rực rỡ nhờ những kỷ lục lần đầu đạt được của nhiều thương hiệu, tạo nên sự lạc quan cho những dự đoán dành cho năm 2016. Tổng số xe tiêu thụ của toàn thị trường trong năm 2015 đạt ngưỡng 250.000 chiếc, tăng 55% so với năm 2014, trong đó lượng xe nhập khẩu đã vượt mức kỷ lục, đạt 71.874 chiếc, tăng 74%, vượt trội so với 48% của dòng xe lắp ráp trong nước, cho dù 173 ngàn xe “made in Vietnam” đã được đưa ra thị trường.
Sự tăng trưởng diễn ra khá đồng đều qua hầu hết các tháng trong năm 2015 cho phép nhận định rằng thị trường Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá ổn định. Năm qua được xem mỹ mãn đối với Thaco khi Kia và Mazda đều sở hữu những kỷ lục bán hàng, chiếm được thị phần lớn trên thị trường, trong khi Toyota đã có sự sụt giảm khá mạnh khi chỉ còn chiếm giữ 24,1% so với 30,6% của năm 2014. Cùng cảnh ngộ với Toyota còn có Honda với mức giảm từ 4,9% xuống còn 4,0%, thị phần của GM và Ford cũng có mức giảm nhẹ. Ngược lại, Peugeot sánh vai với Thaco, đã chiếm được thị phần ấn tượng để chính thức trở thành đối thủ xứng tầm với Toyota khi tỷ lệ cộng dồn của ba thương hiệu xe du lịch đạt hơn 20% thị phần. Mặc dù chưa trở lại thời hoàng kim nhưng Mitsubishi cũng tạm hài lòng khi tăng thêm 0,3% thị phần so với năm trước, còn thương hiệu xe hạng sang Mercedes-Benz vẫn giữ vững lãnh địa với lượng xe bán ra đạt mức kỷ lục trong 20 năm kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tấn công quyết liệt vào những tháng cuối năm bằng sự ra mắt nhiều mẫu xe mới đã giúp thương hiệu xe sang Lexus nâng cao vị thế của mình trên thị trường với 0,5% thị phần, tăng 0,2% so với năm trước.
Thành công trong năm 2015 có sự đóng góp rất đáng kể của những mẫu xe best-seller thuộc nhiều thương hiệu khác nhau. Toyota sở hữu nhiều mẫu xe đạt doanh số hàng đầu trên thị trường, nổi bật nhất vẫn là Vios với gần 14 ngàn chiếc đã đến tay người tiêu dùng. Thương hiệu Kia có Morning đóng vai trò tương tự (8.376 chiếc đã được tiêu thụ), còn Mazda 3 chính là “con át chủ bài” của Mazda (5.987 chiếc). Hãng Ford cũng có một năm thành công tại Việt Nam nhờ các mẫu One Ford như Ecosport, Transit, Focus…, nhưng chiếc pick-up Ranger mới tạo được dấu ấn nổi bật khi liên tục dẫn đầu phân khúc suốt cả năm (8.685 chiếc). Với kiểu dáng nhỏ gọn, tiện ích, mẫu xe đô thị Attrage đã giúp Mitsubishi gia tăng thị phần (1.002 chiếc), trong khi GM cũng tỏ ra hài lòng với mẫu xe Chevrolet Cruze thế hệ mới (đã tiêu thụ được 2.721 chiếc), còn Honda thì hy vọng chiếc sedan cỡ nhỏ City sẽ bứt phá mạnh hơn vì năm ngoái đã bán được 3.186 chiếc. Ở phân khúc thị trường xe sang, dù khá kín kẽ về doanh số nhưng các nhà kinh doanh cũng hé lộ những mẫu xe đem về doanh số cao như C-Class của Mercedes-Benz (hơn 1.500 chiếc) hay Series 3, Series 7, X5 và X6 của BMW…
Cơn sốt trong năm 2015 tại thị trường ôtô Việt Nam một phần do lượng xe nhập khẩu khá lớn (126.000 chiếc, trong đó có hơn 51.000 chiếc là xe dưới chín chỗ ngồi), doanh số nhập khẩu lên đến 2,985 tỉ USD, tăng 77% về số lượng và 89% về giá trị so với năm 2014. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng vươn lên mạnh mẽ của dòng xe nhập khẩu khi hạn định cắt giảm thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết bắt đầu có hiệu lực. Thế nhưng, sự sụt giảm lượng xe nhập khẩu ngay trong tháng đầu năm 2016 đã tạo nên một cú sốc nhẹ cho thị trường. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 7.000 xe với giá trị 175 triệu USD được nhập về Việt Nam trong tháng 1-2016, giảm 50% về số lượng và 56% về giá trị so với tháng 12-2015 (14.000 xe), còn so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng xe nhập khẩu trong tháng 1 cũng giảm 26,6%.
Theo thống kê của VAMA, so với tháng 12-2015, tổng doanh số toàn thị trường đã giảm 21%, trong đó tụt dốc mạnh nhất là dòng xe nhập khẩu (giảm đến 45%), xe lắp ráp nội địa cũng tụt 7,5%. Như vậy, sau tháng 11 và 12-2015, tháng thứ ba trong mùa cao điểm trước Tết Nguyên đán đã không đạt được doanh số như mong đợi. Nếu như sự sụt giảm của dòng nhập khẩu được quy cho tác động tăng giá từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới thì sự sụt giảm của dòng xe lắp ráp trong nước ngay trong tháng cao điểm khiến nhiều người bị thất vọng khi nhìn lại những dự đoán đầy lạc quan về mãi lực thị trường trong năm nay. Năm 2016 từng được dự báo sẽ chứng kiến sự bùng nổ của thị trường ôtô Việt Nam khi có nhiều yếu tố để người tiêu dùng gia tăng việc sắm xe, mà nổi bật là sự phát triển các loại hình dịch vụ vận chuyển mới đang rất được ưa chuộng, sự nhiệt tình từ ngân hàng trong việc cho vay mua xe hơi, xu hướng chuyển từ xe máy sang xe hơi trong giới trẻ cùng với sự nâng cấp về cơ sở hạ tầng giao thông tại các tỉnh, thành.
Nằm trong mùa cao điểm mua sắm trước tết cổ truyền, tháng 1 thường ít có sự sụt giảm mạnh so với tháng trước, do đó sự sụt giảm trên cả hai dòng xe chứng tỏ nguyên nhân sức mua yếu không hẳn là chỉ do tác động từ sự thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Vẫn có những thương hiệu tăng trưởng tốt như Lexus với mức tăng đến 183% so với tháng 12-2015 hay Thaco cùng Kia và Mazda cũng bất ngờ tăng tốc khi nâng thị phần lên gần 14%, đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6% và 8% ngay trong tháng 1.
Như vậy, sự sụt giảm của thị trường trong tháng đầu năm 2016 đáng được xem như một cái vỗ nhẹ từ thị trường để các nhà sản xuất – kinh doanh tỉnh táo hơn trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh trong thời gian tới nếu họ muốn chạm mốc 300.000 xe tiêu thụ trong năm nay.
Huỳnh Khôi (DNSGCT)