Đến hẹn lại lên, giải chạy Việt dã HCMC Run lần thứ 3 đã được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 24/1/ 2016. Có mặt tại cuộc thi, DNSG Cuối Tuần đã lắng nghe nhiều trải nghiệm thực tế từ người tham gia. Có những lúc chán nản, muốn bỏ cuộc, có những lúc đầy hưng phấn khi về đích… Tất cả như một hành trình cảm xúc đáng nhớ.
“Nghĩ gì khi muốn bỏ cuộc?”
Doanh Nhân Cuối Tuần đã gặp Vũ Phương Thanh (cô gái Việt Nam đầu tiên vượt qua 250 km sa mạc tại Chile), tham gia HCMC Run lần này, Thanh Phương đã hoàn thành chạy cự ly 21km trong thời gian 1h 58, hụt đến 3 phút so với mục tiêu của cô đề ra. Phương chia sẻ: “Hôm nay tham gia HCMC Run, mình thực sự bị nản rất nhiều lần. Nhớ lại vài hôm trước, có người hỏi mình: “Nghĩ gì khi cơ thể muốn bỏ cuộc, lúc đôi chân muốn rời ra và nghĩ tới việc bỏ cuộc?”. Khi đó, mình còn băn khoăn không biết trả lời thế nào. Bởi từ trước đến nay, đối với mình, thường kể cả trong trường hợp khắc nghiệt nhất ý chí vẫn “gánh” được cơ thể và hai chân nên ít khi nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng hôm nay là một trong những ngày ý chí mình lại chùn bước.
Thông thường, 21km không phải là một khoảng cách đáng ngại nhưng hôm nay, tham gia HCMC Run, mới khoảng 8km mình đã thấy khó ở và muốn ói. Dấu hiệu của cúm có vẻ vẫn chưa đi hết. Mình nghĩ “Vậy làm sao chạy nổi đến đích bây giờ?”. Sau khi qua cầu Phú Mỹ, mình cảm thấy mệt kinh khủng khiếp. (Nhìn pace đúng y như cảm giác theo từng chặng đường). Hôm nay, lần muốn đầu hàng không phải là số ít.
Nhưng nhờ vậy, mình đã có thể trả lời được câu hỏi là mình nghĩ đến gì để vượt qua bản thân:
1. ĐỒNG ĐỘI
Mình sẽ chạy không nổi nếu không có các lời động viên và sự hỗ trợ của anh chị em nhóm chạy bộ SRC và VietRunners. Mọi người thật tuyệt vời và mình thật sự rất xúc động là các anh chị em đã dành thời gian (chắc làm mọi người chạy chậm lại) để cổ vũ cho mình tiếp tục chạy. Mình rất hối tiếc là mình mệt và nản đến nỗi không thể thốt ra lời hoặc cười một cái để cảm ơn mọi người. Nhưng thực sự, đồng đội là những gì sẽ giúp bạn vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Chỉ cần nghĩ tới những cử chỉ thật nồng nhiệt từ nhũng người lạ không quen biết đang ủng hộ bạn vô điều kiện, ban sẽ tìm được sức mạnh nội tâm để tiếp tục. Chris Macdouhgall đã viết trong tác phẩm “Born to Run”: “Làm cho bạn trong đau khổ và bạn sẽ không bao giờ cô đơn”. Quá chính xác.
2. DÙNG CẢM HỨNG ĐỂ ĐẶT LẠI QUAN ĐIỂM
Cùng quẫn, trong đầu chỉ nghĩ đến: “Bất khả thi rồi. Đầu hàng đi”. Và sau đó là một triệu lý do, lý chấu tràn ngập trong đầu. Đó là khi ý chí bạn phải to hơn các “cớ” đó. Ví dụ hôm nay, mình nghĩ “Mình nên dừng lại bởi vì mình vẫn còn hơi bệnh. Chạy thế này sẽ làm trầm trọng thêm ” khi chỉ có 4km. Sự thật là mình đã hầu như hết ốm và 4km cuối cùng sẽ không thay đổi gì được nhiều… Lúc đó mình phải chỉnh sửa lại cái nhìn của mình đôi chút. Mình nghĩ về Camel Fung, người đàn ông 60 tuổi đến từ Hồng Kông mà mình gặp ở Atacama Crossing. Ông đã từng chạy 250km trong sa mạc với một chiếc chân giả. Mình nghĩ về một người bạn vừa chạy chạy 100km trong giải HongKong100 hôm qua. Mình nghĩ về những người mình gặp hôm qua tại buổi nói chuyện và giải Ironman (thi ba môn phối hợp: Bơi, đạp xe và chạy bộ). Những người đó đã hoàn thành cự ly mình đang chạy sau khi bơi 1.9km và đạp xe 90km . Và trong trường hợp của Full Ironman, họ phải hoàn thành gấp đôi cự ly đó… Nghĩ đến thế, tự hỏi “Mình kêu than cái gì?”
3. VÀ NGUỒN DỰ TRỮ CUỐI CÙNG. LÝ DO TẠI SAO?
Mọi người khi đã quyết định chinh phục một thử thách nào đó đều có lý do. Thường là lý do rất cá nhân. Nhưng đến lúc kiệt quệ, lý do cá nhân không đủ mạnh nữa. Mình phải nghĩ về những người bạn, những người đang huấn luyện cho mình và tất cả những người đã truyền cảm hứng và khuyến khích mình trong cuộc sống. Tất cả mọi người đang giúp mình tiến tới mục tiêu. Nên khi mình muốn bỏ cuộc, mình phải hỏi đi hỏi lại bản thân: Thật sự đã hết mình chưa?
Đây cũng là lý do tại sao rất nhiều người tham gia các thử thách khắc nghiệt, mặc dù là thử thách cá nhân, họ cũng muốn gây quỹ cho tổ chức từ thiện. Đơn giản là họ muốn những trải nghiệm của họ sẽ phần nào đóng góp cho những thay đổi tích cực trong cộng đồng và trong các khoảng khắc đen tối nhất, nó trở thành động lực lớn hơn bản thân để tiếp tục hành trình”
“Tôi chinh phục”
Theo thông báo từ BTC, HCMC Run năm nay có thêm yếu tố mới đó là phát động chiến dịch I CONQUER (Tôi chinh phục) nhằm lan tỏa cảm hứng từ giải chạy Việt dã. Trong đó, mọi người sẽ chia sẻ trên Facebook các câu chuyện có thật về vượt qua giới hạn, tự phá vỡ kỉ lục bản thân, chinh phục thử thách và chạm tay vào chiến thắng.
Tuy nhiên, ngoài những cô gái có thể nói “Tôi chinh phục” như Vũ Thanh Phương kể trên thì bên cạnh đó, DNSG Cuối Tuần gặp nhiều bạn trẻ khác đã gục ngã trong giải chạy, nhập viện vì quá sức. Mặc dù chạy bộ là một môn thể thao đơn giản và giúp rèn luyện thể chất và ý chí chinh phục mạnh mẽ, nhưng người chạy cần có sự chuẩn bị trước đó về dinh dưỡng, luyện tập khoa học phù hợp với bản thân, đặc biệt là khi tham gia chạy các cự ly 21km, 42km, bởi Chinh phục lớn nhất chính là chinh phục chính bản thân mình.
Theo Võ Như Ái, một thành viên gắn bó lâu năm trong nhóm chạy bộ SRC chia sẻ: “Suy cho cùng, chơi thể thao là để vui, để khỏe, tôi ghét việc đua theo thành tích để rồi bị chấn thương”. Không quan trọng bạn là người chạy đầu tiên, ở giữa hoặc cuối cùng, khi bạn có thể nói “I have finished” (tôi đã hoàn thành), hoàn thành những mục tiêu phù hợp riêng cho mình, không bỏ cuộc giữa chừng, theo đó bạn sẽ thấy rất nhiều niềm vui và cảm giác hài lòng với bản thân.
- An Nhiên
Xem thêm:
Góc nhìn đa chiều về HCMC Run 2016
Dành cho những bạn mới bắt đầu tham gia các chương trình chạy bộ