Đi khắp vùng đất miền Tây Nam bộ rồi dạo một vòng Sài Gòn, ở đâu khách phương xa cũng dễ dàng bắt gặp những hàng hủ tiếu, món ăn quen thuộc ở phương Nam. Được chế biến với nhiều phong cách, hủ tiếu Sài Gòn có thể chiều lòng bất kỳ thực khách khó tính nào.
Người Sài Gòn có thể ăn hủ tiếu từ sáng sớm đến tối khuya cũng nhưở mọi điều kiện thời tiết. Từ tô hủ tiếu gõ bình dân chỉ vài lát thịt, bò viên xắt mỏng, chút giá hẹở các góc phố khi chiều xuống hay tô hủ tiếu ngồn ngộn những tôm, thịt, lòng… ở các hàng quán cao cấp dập dìu người ăn. Tô hủ tiếu còn phản ánh tính cách linh hoạt, phóng khoáng của người Nam bộ. Từ Trung Hoa, món ăn này được người Triều Châu du nhập vào nước ta rồi được Việt hóa và biến tấu với vô số phiên bản. Sợi hủ tiếu mềm của người Hoa được Việt hóa thành hủ tiếu dai. Và nhiều địa phương ở Nam bộ lại có sợi hủ tiếu đặc trưng: hủ tiếu Mỹ Tho sợi nhỏ, dai chắc, hủ tiếu Gò Công sợi to, hơi bở… Nước lèo cũng được chế biến theo khẩu vị của người Nam bộ với điểm chung là không thể thiếu tôm khô, mực khô (nướng) giúp tăng thêm vị ngọt lịm và mùi thơm phức. Thay vì chỉ có thịt xá xíu xắt lát, tô hủ tiếu của người Việt còn có gan, tim, tôm, mực, trứng cút… Rau ăn kèm cũng phong phú hơn với rau cần (tây), tần ô, giá, hẹ, nhiều nơi còn thêm bông cải, ngó sen bắt mắt. Một cách ăn hủ tiếu rất phổ biến là hủ tiếu khô với sợi hủ tiếu trụng qua nước sôi rồi được áo một lớp xốt màu nâu óng ánh theo công thức riêng của từng quán, ăn kèm tôm, gan, tim, mực, thịt bằm, tỏi băm, hành lá, rau xanh và chén nước lèo nóng hổi.
Hủ tiếu Nam Vang hiện là một trong những món ăn phổ biến bậc nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Ai đã từng ăn món này ở ngay Phnom Penh (Campuchia) cũng phải công nhận hủ tiếu Sài Gòn… hấp dẫn khẩu vị và cả thị giác hơn – từ nồi nước lèo, cách nêm nếm đến nguyên liệu ăn kèm. Trên nhiều đường phố Sài Gòn hôm nay, dễ dàng tìm thấy cửa hàng hủ tiếu Nam Vang mà chỉ cần đi ngang qua, ngửi mùi nước lèo thơm phức bốc ra từ chiếc thùng nghi ngút khói thì khách đã cầm lòng không đặng! Bên cạnh đó có không ít các quán hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc theo chân người miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp. Quán hủ tiếu Sa Đéc được coi là đúng phong vị miền Tây và được nhiều người biết đến là Quang Ký ở quận Bình Thạnh. Chủ quán là anh Lưu Quang đã mang nghề nấu hủ tiếu của gia đình đã hơn thế kỷở Sa Đéc lên đất này khoảng sáu năm nay. Hủ tiếu Quang Ký có nước lèo trong vắt, thơm lựng được chế biến theo công thức gia truyền, sợi to, màu trắng sữa được đưa từ Sa Đéc lên hằng ngày. Và không thể bỏ qua những hàng hủ tiếu của người Hoa ở các quận 5, quận 6, quận 11. Dễ nhận diện các xe hủ tiếu loại này ở tranh vẽ các nhân vật, điển tích Trung Hoa trong Tam Quốc Chí, Phong Thần… Hủ tiếu của người Hoa theo thời gian cũng đã có những đổi thay để chiều lòng thực khách.
Món hủ tiếu bình dân và gắn với ký ức của nhiều người nhất là hủ tiếu gõ. Tô hủ tiếu gõ đơn sơ giá “mềm” đủ yên dạ cô nhân viên văn phòng buổi xế chiều hay anh công nhân tăng ca về khuya. “Sang” hơn thì gọi thêm khoanh giò heo ninh vừa tới, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nước chấm cay cay đầu lưỡi. Với nhiều sinh viên sống xa nhà, tô hủ tiếu gõ có lúc chỉ vài ngàn đồng nhưng đã là món ăn sang trọng thay cho những bữa cơm rau nhiều hơn đạm. Tiếng gõ của xe hủ tiếu ngày nay đã vắng dần ở các ngõ hẻm và sẽ là một mất mát của đất Sài Gòn nếu một mai không còn tiếng gõ quen thuộc ấy.
Bích Tuyền (DNSGCT)