Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2015, nền kinh tế của Venezuela giảm 10%, sang năm 2016 sẽ lại giảm thêm 6% nữa. Đó là những con số đáng báo động, nhưng không đáng ngạc nhiên, vì đất nước Nam Mỹ này đang gặp hai vấn đề lớn là giá dầu lửa sụt giảm nghiêm trọng và tình trạng lạm phát cao nhất khu vực. Nền kinh tế Venezuela dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu thô, chiếm đến hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của nước này, vậy mà giá dầu thô thế giới đã từ 115 USD/thùng vào tháng 6-2014 xuống chỉ còn khoảng 36 USD/thùng và có chiều hướng giảm hơn nữa. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thúc giục Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC giảm sản lượng và đẩy giá lên 88 USD/thùng, nhưng nỗ lực của ông không mang lại kết quả do phần lớn các nước OPEC vẫn muốn duy trì giá dầu ở mức tương đối thấp.
Một mặt khác trong đời sống kinh tế của Venezuela cũng rất đáng quan tâm. Từ hai năm qua, đi đến các siêu thị là nỗi khổ tâm lớn của các bà nội trợ nước này. Vì hàng hóa thiếu thốn, họ phải xếp hàng nhiều giờ liền để mua được những mặt hàng thiết yếu. Một kết quả điều tra của hãng Datanalisis cho biết mỗi người Venezuela phải bỏ ra trung bình 5 giờ/tuần để mua vật phẩm và đến bốn cửa hàng khác nhau để tìm mua những thứ cần. Nhiều người sau một thời gian xếp hàng đã phải trở về tay không vì hết hàng. Trong số những mặt hàng khó mua, có sữa, gạo, cà phê, đường, bột bắp, dầu ăn…, giá cả do nhà nước kiểm soát. Tình trạng này góp phần làm xuất hiện thị trường chợ đen và giá những hàng hóa thiết yếu bị đẩy lên cao, nạn lạm phát ngày càng trở nên trầm trọng. IMF dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela trong năm nay là 159%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Không chỉ thế, tỷ lệ này trong năm 2016 sẽ có thể lên đến 200%. Chính quyền Caracas đã phải áp dụng chính sách kiểm soát giá cả nhu yếu phẩm, nhưng nhiều sản phẩm vừa được định giá xong thì giá đã tăng gấp ba lần trên thị trường chợ đen. Một trong những hệ quả thấy rõ của tình trạng lạm phát là Venezuela hiện có đến ba hối suất chính thức và một hối suất trên thị trường chợ đen! Hai hối suất chính thức đầu dành cho hàng nhập khẩu thuộc loại thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, đồ gia dụng, còn hối suất chính thức thứ ba dành cho những người dân muốn mua đôla Mỹ. Sự cách biệt giữa các hối suất mới là điều đáng sợ: trong lúc 1 USD đổi được 6,3 đồng bolivare ở hối suất chính thức thì trên thị trường chợ đen, cần có 800 bolivare mới mua được 1 USD! Kết quả điều tra do ba trường đại học ở Venezuela tiến hành cho thấy từ tỷ lệ 21% người nghèo vào năm 2013, nay số người nghèo ở nước này đã tăng lên 73%!
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)