Hơn hai năm trước, ngôi nhà sàn của vị quan lang duy nhất còn sót lại vốn được bảo tồn tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình) đã bị hủy hoại bởi một đám cháy do những kẻ tham quan vô ý thức gây nên.Với mong muốn phục dựng một di sản quý giá, dự án “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” đã ra đời. Cuộc triển lãm – đấu giá các tác phẩm mỹ thuật được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 23 đến 25-11-2015) là sự nối tiếp các hoạt động nhằm gây quỹ cho dự án.
Đã có không ít các cuộc đấu giá tranh, tượng, ảnh nghệ thuật… được thực hiện trong những năm gần đây với nhiều mục đích khác nhau, nhưng chưa bao giờ trong đời sống mỹ thuật của cả nước có một sự kiện như cuộc triển lãm – đấu giá tác phẩm mỹ thuật gây quỹ phục dựng nhà Lang, bởi quy mô của hoạt động này cùng với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ tạo hình ba miền Bắc – Trung – Nam. Có 57 họa sĩ và nhà điêu khắc nhiều thế hệ đã góp 61 tác phẩm cho cuộc đấu giá, qua đó khơi dậy ý thức về di sản văn hóa trong cộng đồng và rộng hơn nữa là đánh động các chính sách về bảo tồn – phát huy di sản của Nhà nước còn nhiều bất cập, manh mún.
Họa sĩ Thành Chương, người hết lòng ủng hộ dự án “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” cho rằng: “Dựng lại nhà Lang không còn là việc riêng của Vũ Đức Hiếu nữa. Đó là mong mỏi của chúng ta, để đáp lại cái cách mà người ta đối xử với bảo tàng tư nhân, với văn hóa dân tộc trong câu chuyện này”. Theo họa sĩ, cuộc triển lãm – đấu giá “là một sự kiện mang tính chất xã hội đẹp, giới mỹ thuật bày tỏ sự quan tâm tích cực đến câu chuyện trong bối cảnh công cuộc bảo tồn và phát triển di sản đang bị ngầm buông bỏ”. Và trong bối cảnh đáng buồn đó, theo ông thời may vẫn có những cá nhân lặng lẽ thực hiện những hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nhưở Hòa Bình có Vũ Đức Hiếu với văn hóa Mường, ở Lai Châu có Đỗ Thị Tấc với văn hóa Thái trắng vùng Tây Bắc, ở Quảng Nam có Nguyễn Thượng Hỷ với văn hóa Chăm và kiến trúc gỗ vùng Ngũ Quảng. Khi nói về nhân vật chính trong dự án “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” là đồng nghiệp Vũ Đức Hiếu – Giám đốc Không gian Văn hóa Mường, họa sĩ Thành Chương nhận định: “Hiếu say mê bảo tồn văn hóa Mường đến mức ai cũng tưởng anh là người Mường; đến mức chất Mường thành tên của anh: “Hiếu Mường”. Đó là một điều cực kỳ hiếm hoi, vô cùng đáng quý”. Ông ví von: “Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình”.
Trong cuộc triển lãm – đấu giá tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có tác phẩm của nhiều thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc, từ nhiều tuổi như Trương Bé, Lê Huy Tiếp, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Đặng Mậu Tựu, Lý Trực Sơn đến lớp kế tiếp như Đào Châu Hải, Nguyễn Tấn Cương, Phan Cẩm Thượng, Bùi Hải Sơn, Đào Anh Khánh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ, Tào Linh…, rồi những Quách Đông Phương, Đào Hải Phong, Lê Quảng Hà, Trịnh Quốc Chiến, Trần Việt Phú, Vương Văn Thạo, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước, Hoàng Tường Minh, Lê Kinh Tài…, và nhóm các tác giả trẻ hơn như Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Thái Bình, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Tuấn Tú, Dương Thùy Dương, Lê Anh Quân, Nguyễn Trần Cường, Phạm Huy Thông. Theo đơn vị tổ chức (Không gian Văn hóa Mường) thì: “Lâu lắm rồi người ta mới thấy nhiều nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc cùng nhau trưng bày…, có lẽ phải lâu lắm nữa cộng đồng yêu nghệ thuật mới lại có thể chiêm ngưỡng một bộ sưu tập đa dạng và chất lượng tới vậy. Cùng nhau tạo nên một bộ sưu tập đa dạng và chất lượng, chúng tôi tin rằng đây không chỉ là sự kiện gây quỹ đơn thuần, mà còn là một điểm đến tuyệt vời cho cộng đồng yêu nghệ thuật nói chung”. Đặc biệt, triển lãm – đấu giá gây quỹ cho dự án “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” diễn ra đúng vào 23-11 là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Được biết, trước sự kiện mỹ thuật lớn này, nằm trong chuỗi hoạt động của dự án “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” đã có hai chương trình gây quỹ khác, đó là triển lãm tranh biểu hiện trừu tượng kết hợp sắp đặt và trình diễn thời trang tối giản có tên gọi “Giai điệu núi đồi” của họa sĩ Trần Thị Thu và nhà thiết kế thời trang Phạm Kiều Phúc, được tổ chức tại Không gian nghệ thuật Module 7 ở Hà Nội ngày 9-5-2015, sau đó là triển lãm ảnh “Giấc mơ hồi sinh” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong hai ngày 5-6 và 6-6-2015. Khoảng gần 90 triệu đồng đã thu được từ hai sự kiện trên (bán vé vào cửa, bán tác phẩm và hiện vật lưu niệm). Cũng theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu, kinh phí tối thiểu để anh và bạn bè có thể phục dựng ngôi nhà Lang trăm tuổi bị thiêu hồi tháng 10-2013 là 500 triệu đồng. Hy vọng với cuộc triển lãm – đấu giá tác phẩm mỹ thuật lần này, mong muốn của Hiếu Mường sẽ trở thành hiện thực.
- Phạm Đán Bình