Giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ta đang diễn ra giằng co trong những ngày đầu tháng 11 với các phiên tăng giảm điểm xuất hiện xen kẽ. Có một nghịch lý là dù số phiên giảm điểm chiếm ưu thế, nhưng tính chung cả tuần thì đà đi lên của VN-Index vẫn duy trì. VN-Index không những giữ được mốc 600 điểm mà còn vượt qua ngưỡng 610 để kết thúc tuần giao dịch từ 2 đến 6-11 tại 612,36 điểm, tăng 4,99 điểm so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, đây là một sự “xanh vỏ đỏ lòng”, đa số các cổ phiếu trên thị trường đều giảm giá, sắc xanh trên sàn chỉ do một nhóm cổ phiếu lớn đem lại. Khi không còn nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ trong khi áp lực chốt lời ngày càng được thể hiện, đa số cổ phiếu đều đã chững lại và giảm điểm, kể cả những cổ phiếu được dòng tiền đầu cơ săn đón do có kết quả kinh doanh quý III khả quan.
Tâm điểm của thị trường những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 là VNM và phần nào đó là FPT. Có thể nói, tầm mức ảnh hưởng của VNM với VN-Index là quá lớn, là đầu tàu cho đà đi lên của chỉ số. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số VN-Index giai đoạn vừa qua được hỗ trợ bởi ba thông tin tích cực. Đầu tiên, đây là một trong 10 doanh nghiệp nhà nước mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải thoái vốn trong thời gian tới. Tiếp đó là kết quả kinh doanh tích cực trong quý III của chính Tổng công ty Sữa Việt Nam. Mới nhất là thông tin Fraser & Neave (F&N), cổ đông ngoại lớn nhất của VNM, chào mua số cổ phiếu VNM mà SCIC đang nắm giữ với trị giá 4 tỉ USD, cao hơn 40% so với thị giá hiện tại. Dù sau đó F&N đã cho biết rằng họ chưa gửi bất kỳ đề nghị nào tới SCIC hay VNM về việc mua lại cổ phần, nhưng không vì vậy mà đà tăng giá của VNM bị chặn đứng. Cũng nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC, dù ít “nóng” hơn nhưng cổ phiếu FPT cũng được săn lùng và đã thiết lập mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2009, tất nhiên đã tính đến sự điều chỉnh giá khi chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu.
Như vậy, riêng VNM trong tuần giao dịch vừa qua đã góp gần chín điểm cho VN-Index, khi tăng từ 118 ngàn đồng/cổ phiếu lên 129 ngàn đồng/cổ phiếu. Chỉ cần làm phép tính nhẩm cũng thấy rằng nếu loại VNM khỏi rổ tính chỉ số thì thị trường đã có một tuần giảm điểm. Tương tự, nếu loại đi khối lượng giao dịch thỏa thuận tương đối đột biến trong tuần, thì thanh khoản thị trường vẫn chưa được cải thiện (xấp xỉ 2.000 tỉ đồng/phiên). Với nền tảng thanh khoản như vậy, rõ ràng nhà đầu tư chưa thể kỳ vọng vào một sự tăng giá của cổ phiếu trên diện rộng. Tuy nhiên, tình hình cũng chưa đến mức bi quan khi khối ngoại vẫn đang giao dịch khá tích cực và có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn có những phiên thỏa thuận lớn tập trung vào VNM và FPT, với trị giá lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Tổng cộng, trên cả hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 154,43 tỉ đồng.
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước ta tháng 10 vừa qua vượt qua mốc 50 điểm, cụ thể là 50,1 điểm, cao hơn mức 49,5 điểm của tháng 9. Nhiều người cho rằng điều này chứng tỏ đã có một sự hồi phục nhẹ của hoạt động sản xuất và sự thu hẹp của hoạt động sản xuất trong tháng 9 chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, sẽ thấy số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 10 giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đặc biệt, nếu chỉ xét đơn hàng xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng mới dành cho các doanh nghiệp sản xuất nước ta tiếp tục có tháng giảm thứ năm liên tiếp, dù tốc độ giảm có nhẹ và chậm hơn so với tháng trước.
Thị trường chứng khoán thời gian tới phải đối mặt với những tin không tích cực như dư nợ margin đang ở mức cao, nên dòng tiền vào thị trường có khả năng bịảnh hưởng. Xu hướng bán có thể thắng thế và hai chỉ số phải đối diện với áp lực đi xuống, bất chấp sự chống đỡ của VNM, FPT hay các bluechip khác. Một khi những mã lớn này điều chỉnh, “đồng thuận” với đà giảm chung của thị trường, VN-Index sẽ đi xuống.
Tuần giao dịch thứ hai của tháng 11 có diễn tiến giằng co theo chiều hướng xuống đúng như dự báo trước đó. Trong phiên giao dịch 9-11, sắc đỏ là chủ đạo dù cũng có lúc bên mua hào hứng với vùng giá thấp đã kéo chỉ số trở lại với sắc xanh. Kết thúc phiên, với 123 mã giảm trong khi chỉ có 95 mã tăng giá, VN-Index giảm 1,7 điểm, còn 610,66 điểm. Thật trùng hợp khi số điểm giảm của VN-Index xấp xỉ mức “đóng góp” của VNM. Phiên giao dịch này, VNM chịu áp lực chốt lời và giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, xuống còn 127.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với trị giá giao dịch đạt 2.170,59 tỉ đồng.
Tuấn Thanh (DNSGCT)