Với nhiều người, ý tưởng này thật khó thích ứng. Nhưng với nạn hạn hán khủng khiếp kéo dài ở California, việc tái chế nước đã dùng lại là giải pháp tốt nhất có thể có. Chỉ cần qua xử lý, nước cống sẽ là nước sạch có thể dùng được.
Bờ biển phía tây nước Mỹ trước nay không mấy ai cổ xúy cho việc tái chế nước đã dùng cho sinh hoạt. Cách đây mười năm, ở San Diego miền nam duyên hải phía tây này người ta đã xử lý rất tốt vấn đề nước thải, nhưng không ứng dụng vào thực tế vì chẳng ai có nhu cầu. Bây giờ, sau bốn năm hạn hán đe dọa hủy diệt cá hồi và cây cối (22 triệu cây đã chết vì không có nước và vì sâu bệnh), California phải làm sống lại công nghệ tái chế nước thải.
Tuyết tan ở Sierra Nevada vốn là nguồn cung cấp nước ngọt chính yếu cho California – bang đông dân nhất nước Mỹ (39 triệu người), nay không còn nữa. Nước sông Colorado san sẻ chẳng được bao nhiêu, vì phải cung cấp cho nhiều bang khác. George Tchobanoglous, giảng viên tại Đại học California Davis cho biết: “Bây giờ cả thế giới nghiên cứu công nghệ tái chế nước thải. Chúng ta đổ ra đại dương một lượng khổng lồ nước ngọt có thể tái sử dụng. Các đô thị lớn như Los Angeles, Santa Barbara… có thể làm tốt việc xử lý nước thải thành nước sinh hoạt. Có đến 76% người được thăm dò ở đây tán thành, so với 23% ở thập niên 1990”.
California đã tái chế nước thải để canh tác, giờ tiến đến làm nước sinh hoạt. George Tchobanoglous đoan chắc từ nay đến năm 2020, một phần năm dân số California sẽ sinh hoạt bằng nước thải tái chế. Cư dân bang Texas cũng bị hạn hán đã dùng nước tái chế từ việc tắm giặt, rửa chén… Hạn hán lần trước, năm 2008, quận Cam đã vận hành nhà máy lọc nước thải, mỗi ngày tái chế 378 triệu lít, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho 850 ngàn người. Đô thị nhỏ nhất ở Los Angeles là West Basin cũng lập nhà máy xử lý nước thải cho sinh hoạt và công nghiệp. Quản lý nhà máy, Shivaji Deshmukh nói: “Nước cống không còn là nước thải mà là nguồn cung cấp có giá trị”.
Để người uống khỏi phải bịt mũi vì mường tượng nước thải, ở California không trực tiếp cung cấp nước tái chế mà còn qua các khâu thẩm thấu áp lực hóa học, khử trùng trong giếng tầng, chiếu tia cực tím… trước khi bơm tới các trạm cung cấp nước. Lại còn hòa thêm vi khoáng để có vị như nước tự nhiên, sạch như nước tinh khiết bán ở siêu thị.
Lê Lành theo Courrier international (DNSGCT)